Chúng tôi về thăm CLB vào những ngày hướng tới kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6. Năm nào cũng vậy, CLB chọn ngày đặc biệt này để tổ chức gặp mặt và có nhiều sinh hoạt hấp dẫn các hội viên. Ngoài ôn lại truyền thống của Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, vai trò của báo chí trong cuộc sống hiện tại, các hội viên còn chia sẻ với nhau niềm đam mê đọc sách báo rồi cùng nhìn lại chặng đường dài phát triển để thấy được sự thay đổi từng ngày cả về hình thức và nội dung của tờ báo mà cả CLB yêu thích đó là Báo Ninh Bình. Đối với các thành viên trong CLB thì ngày kỷ niệm năm nay có thêm niềm vui mới, đó là được chuyển "trụ sở" đến một nơi tốt hơn nhiều, đó là Nhà văn hóa trung tâm xã. Chia tay căn phòng nhỏ chưa đầy 15m2 - vốn được coi là trụ sở của CLB đặt tại nhà ông Nguyễn Tiến Lực- một trong những người đầu tiên sáng lập ra CLB, các thành viên ai nấy đều lưu luyến. Nơi đây đã gắn bó với CLB cả chục năm có lẻ, từ khi cả CLB mới chỉ có 4 thành viên với vài tờ báo. Ông Bùi Hoàng Khánh, Chủ nhiệm CLB cho biết, gần 15 năm qua là một chặng đường dài, ghi dấu sự phát triển lớn đối với CLB. Từ ngày chỉ có vài người, đến nay đã phát triển lên gần 50 thành viên. Trong các thành viên, có cán bộ hưu trí và cũng có cả những người nông dân chân lấm tay bùn. Thành viên nhiều tuổi nhất cũng đã ngoài 90 tuổi và đặc biệt là niềm đam mê đọc báo Đảng còn tan tỏa tới những đối tượng trẻ tuổi, các cháu học sinh trong xã.
Với sự chịu khó sưu tầm, đặt mua báo của các thành viên, đặc biệt là sự ủng hộ, động viên của nhiều đồng chí lãnh đạo tỉnh như đồng chí Bùi Văn Nam, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình, đồng chí Đinh Văn Điến, Chủ tịch UBND tỉnh, các đồng chí lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy… và nhiều đoàn công tác của các báo ở tỉnh bạn như: Báo Hà Nam, Báo Nam Định, Công ty Cổ phần sách Thái Hà… đã đến thăm và tặng sách, báo cho CLB. Những món quà ý nghĩa, thiết thực đó đã góp phần làm cho số lượng sách, báo của CLB ngày càng thêm phong phú, đa dạng với hàng chục đầu báo, trong đó chủ lực là những tờ báo đảng như: Báo Nhân Dân, Báo Ninh Bình, Tạp chí Cộng sản… và hàng ngàn cuốn sách.
Năm 2016, Đảng ủy, HĐND, UBND xã Gia Hưng cũng tạo điều kiện bố trí một phòng rộng ở Nhà văn hóa trung tâm của xã để làm nơi CLB bày sách, báo. Với trụ sở khang trang, rộng rãi và đặc biệt là lại nằm ở trung tâm xã, những thành viên trong CLB tự bảo nhau cố gắng để nơi đó trở thành một thư viện nhỏ, là một phòng đọc dành cho những người đam mê sách báo.
Đối tượng hướng tới là tất cả các thế hệ, song sẽ đặc biệt ưu tiên, khuyến khích các cháu học sinh tham gia đọc báo. Hiện tại, không chỉ đến đọc tại chỗ, nhiều bạn đọc mượn sách, báo về nhà để đọc. Nhất là vào dịp nghỉ hè, rất đông các cháu học sinh đã tới mượn sách, báo về đọc. Đối với những cháu học sinh có thành tích học tập tốt, khi tới mượn sách, báo sẽ được CLB tặng quà. Món quà nhỏ thôi nhưng là sự động viên lớn đối với các cháu. Đọc sách, báo không chỉ góp phần nâng cao trình độ, rèn luyện văn hóa đọc mà còn là một cách để giúp các bậc phụ huynh quản lý con trong dịp hè một cách an toàn, hiệu quả.
Nhớ lại những ngày mới thành lập, ông Nguyễn Tiến Lực, Phó chủ nhiệm CLB cho biết, ban đầu chỉ vì niềm đam mê đọc sách, báo, nhất là những tờ báo Đảng như báo Nhân Dân, Báo Ninh Bình… nên một vài người hưu trí tập trung nhau để đọc. Dần dần, chúng tôi muốn đưa phong trào đọc sách báo đến với mọi người dân trong toàn xã, nên có ý định thành lập CLB với tên gọi ban đầu là CLB đọc báo Đảng.
Từ ngày có CLB đọc báo Đảng, nhiều người dân có điều kiện tiếp xúc với sách, báo, đặc biệt là những người cao tuổi, điển hình như cụ Nguyễn Văn Sử, 90 tuổi và có 70 năm tuổi đảng. Cụ Sử tham gia vào CLB từ khi mới thành lập, hơn chục năm qua cụ vẫn tích cực tham gia mọi phong trào, hoạt động trong CLB. Đến nay, tuổi cao, mắt mờ đi nhiều song cụ vẫn giữ nếp quen đọc sách, báo mỗi ngày, nhất là tờ Báo Ninh Bình.
Cụ Sử cho biết, khi mắt mờ gây khó khăn cho cụ trong việc trực tiếp đọc sách, báo thì cụ nhờ đứa cháu nội đọc cho cụ nghe. Theo cụ Sử, chất lượng các tin, bài, ảnh trên Báo Ninh Bình ngày càng được nâng cao. Đặc biệt, những bài báo đã bám sát thực tiễn, phản ánh đúng, trung thực, sinh động mọi mặt của thực tiễn cuộc sống. Qua đọc báo, người dân trong xã cũng thấy được nhiều sự đổi thay của quê hương mình.
Qua khảo sát, đa số những người đọc báo đều thích mục người tốt việc tốt, mục phản ánh những tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế. Bởi với họ, đây là những thông tin thiết thực, bổ ích để họ có thể học hỏi và áp dụng vào gia đình mình. Đối với người cao tuổi thì họ thích đọc những chính sách mới ban hành của Đảng, Nhà nước thông qua Báo Ninh Bình, vì khi đọc báo, họ sẽ tiếp cận được các thông tin cần thiết một cách dễ hiểu, dễ nhớ hơn…
Nhiều cụ lại quan tâm tìm hiểu về các bài thuốc dân gian được giới thiệu qua báo chí, qua đó hiểu thêm về cách giữ gìn sức khỏe, rèn luyện trí nhớ. Đối với những bài báo hay, những bài báo phản ánh sự phát triển của quê hương Gia Hưng đều được các thành viên chép riêng để đưa ra thảo luận vào dịp sinh hoạt mỗi quý/lần. Những buổi sinh hoạt này ngày càng thu hút được nhiều người quan tâm. Dần dần, báo chí trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của nhiều gia đình.
Cuộc sống của bà con Gia Hưng vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng nhìn cách mà người dân nâng niu một tờ báo, một cuốn sách thì mới hiểu tình yêu mà họ dành cho sách, báo lớn đến nhường nào. Từ niềm đam mê ấy, nhiều gia đình còn chủ động xây dựng tủ sách gia đình như một cách để xây dựng tương lai cho thế hệ sau.
Bài, ảnh: Đào Hằng