Chuẩn bị kế hoạch để hạn chế rủi ro
Sau 4 năm làm việc cho một tổ chức phi chính phủ chuyên về nông nghiệp tại Hà Nội, với mức lương cao, cơ hội thăng tiến tốt, chị Nguyễn Thị Hoài (sinh năm 1991, xã Khánh Hồng, Yên Khánh) bất ngờ xin nghỉ, về quê khởi nghiệp.
"Nghỉ việc là quyết định táo bạo thời điểm ấy, khi công việc của tôi và chồng đang dần đi vào ổn định, là cuộc sống mơ ước của bao người. Bỏ phố về quê, cả gia đình hai bên kịch liệt phản đối, khuyên nhủ suy nghĩ lại."
Chị Hoài mở đầu câu chuyện lập nghiệp của mình bằng một nụ cười thật nhẹ nhàng. Chị Hoài đã "ôm mộng" về quê cách đây đã nhiều năm, khi nhận ra bản thân thích thiên nhiên, cây cối, thích cuộc sống đơn thuần, giản dị hơn là những tòa cao ốc và cuộc sống xô bồ nơi phố thị.
Tuy vậy, việc về quê khi ấy vẫn chỉ nằm trong tâm tưởng vì chị chưa có kế hoạch cụ thể và còn lo sợ nhiều thứ: sợ làm gia đình thất vọng, sợ không ổn định, sợ tương lai bất định phía trước, sợ thất bại.
Tình cờ khi chị được tham dự một hội thảo về chống biến đổi khí hậu và giảm nhẹ rủi ro thiên tai, chị biết đến cỏ Vetiver. Loại cỏ này là bước ngoặt khiến chị hạ quyết tâm về quê lập nghiệp, cũng là cơ duyên giúp chị phát triển mô hình kinh tế làm hương nhang từ rễ cỏ Vetiver.
Chị Hoài thừa nhận, chị không lên kế hoạch trước cho những thay đổi này, vì vậy về mặt tài chính, chị phải dùng hết số tiền cưới và tiền tiết kiệm của hai vợ chồng, thậm chí vay mượn thêm bố mẹ.
Theo chị Hoài, nếu muốn thay đổi công việc, người trẻ nên có kế hoạch rõ ràng, từ kiến thức cho đến tài chính để hạn chế tối đa những rủi ro, tránh được mất nhiều chi phí lúc đầu khi chưa có thu nhập. Vì nếu không kiểm soát được điều này dễ dẫn đến việc không có lực để tiếp tục theo đuổi đam mê.
"Bỏ phố về quê"- Cuộc chơi không dành cho những kẻ mộng mơ
Nói về vấn đề tài chính, một số người đã từng "bỏ phố về quê" cho rằng đó không phải là yếu tố duy nhất để quyết định thành công nhưng là nền tảng không thể thiếu. Cách đây vài năm, anh Hoàng Minh Thành, thôn Hoàng Sơn Đông, xã Ninh Tiến (thành phố Ninh Bình), một kỹ sư tàu điện ngầm đã tự chọn ngã rẽ mới cho cuộc đời mình bằng việc về quê trồng hoa cúc chi và bán các sản phẩm trà hoa hữu cơ. Gác lại tấm bằng kỹ sư thiết bị, anh Thành xắn tay áo, tự mày mò, nghiên cứu trở thành một chàng nông dân đích thực.
Anh Thành cho biết, khi bắt đầu khởi nghiệp trồng hoa, anh chỉ có trong tay vài chục triệu đồng và vài nghìn mét vuông đất trồng hoa. Bỏ phố về quê tưởng chừng đơn giản nhưng thực tế rất phũ phàng.
Chia sẻ hành trình 5 năm qua, anh Thành thừa nhận, có những khoảng thời gian anh vô cùng áp lực. Làm quần quật cả năm, vừa làm vừa đầu tư, thu nhập chẳng thấy đâu, chi phí tăng cao khiến anh rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan. Nhưng dù có vô số những lần thất bại cũng không khiến anh nản lòng. "Khi mới bắt đầu, mọi thứ đều là phép thử, tôi chấp nhận thử, tuổi trẻ có bao nhiêu mà e sợ, cứ tiến về phía trước." - Anh Thành nói.
Nói là làm, để trồng hoa sạch, hoàn toàn đáp ứng tiêu chuẩn hữu cơ, anh Thành thử nuôi giun trùn quế bón cho hoa, thử không phun thuốc hóa học cho cúc, thử sấy lạnh 22 tiếng thay vì sấy nóng 4 tiếng để đảm bảo chất lượng hoa, thử đổi bao bì bằng giấy thân thiện với môi trường thay vì túi nilon, thử ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel cho cúc… Tất cả mọi phép thử tốt nhất với quá trình trồng và thành phẩm hoa đều được anh mạnh dạn ứng dụng.
Qua mỗi lần thử nghiệm, anh Giám đốc HTX hiểu hơn về đặc tính hoa và tầm quan trọng của hài hòa môi trường sinh thái, từ đó tìm ra hướng phát triển bền vững cho HTX của mình. Phép thử thì đắng cay nhưng cho thành quả ngọt ngào, đến nay thương hiệu trà hoa cúc Riti đã dần phát triển thành mô hình HTX dược liệu, canh tác theo phương pháp hữu cơ.
HTX hiện có 39 thành viên và 2 nông trại trong thành phố Ninh Bình và huyện Nho Quan. HTX Riti cung cấp ra thị trường mỗi năm khoảng 10 nghìn sản phẩm trà hoa có lợi cho sức khỏe con người, thân thiện với môi trường, đem lại nguồn thu nhập đáng mơ ước. Khát vọng, nhiệt huyết tuổi trẻ lớn là vậy, song anh Thành khẳng định, bỏ phố về quê lập nghiệp chắc chắn không phải cuộc chơi cho những kẻ mộng mơ, "thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào".
Để có thể sống được với mạo hiểm của mình, cần có kế hoạch, kiến thức sâu về lĩnh vực, và nếu tốt nhất, kế hoạch tài chính "khỏe" sẽ giúp người trẻ đỡ phải chịu áp lực hơn bởi cái giá của khởi nghiệp thất bại rất đắt.
Anh Nguyễn Hiếu Quang, 25 tuổi (thị trấn Yên Thịnh, huyện Yên Mô) từ bỏ công việc nhân viên truyền thông tại thủ đô để quyết định nối gót gia đình kinh doanh nhà hàng thịt dê. Ban đầu, anh đầu tư mở rộng chi nhánh tại Hà Nội nhưng không may mắn vì ảnh hưởng dịch bệnh, nhà hàng đóng cửa, thua lỗ 1,7 tỷ đồng.
Với quyết tâm cao, anh Quang quyết định về quê khởi nghiệp, tiếp tục mở thêm chi nhánh tại thành phố Tam Điệp. Song do chưa tìm hiểu thị trường, thêm đợt dịch thứ 2 bùng phát, nhà hàng buộc phải dừng hoạt động, tuy nhiên anh vẫn phải chịu tiền thuê nhà ở mức gần 20 triệu đồng/tháng. "Tôi đã phải bỏ ra hàng tỉ đồng để đổi lấy bài học đắt giá đầu đời trong kinh doanh. Tài chính tốt không có nghĩa bạn sẽ khởi nghiệp thành công, nó chỉ giúp bạn ngã đỡ đau hơn." - Anh Quang chia sẻ.
Vậy cần những điều kiện gì mới có thể "bỏ phố về quê" khởi nghiệp? Câu trả lời không giống như 1+1= 2 mà tùy thuộc thời điểm, ý tưởng, khả năng tài chính, tính sáng tạo và thích nghi, độ dẻo dai trong chịu áp lực của mỗi người trẻ. Xuất phát điểm của mỗi người có thể khác nhau, đích đến không giống, nhưng chung khát vọng cống hiến, làm giàu bằng sức trẻ, khẳng định năng lực bản thân.
Nhưng không có con đường nào trải hoa hồng dù bạn có nền tảng tốt về giáo dục và tài chính, bạn vẫn phải nỗ lực hết mình với những sáng tạo cá nhân để chuyển động cùng vòng xoáy của nền kinh tế đang ngày càng biến động, hội nhập và phát triển không ngừng.
Bỏ phố về quê đang bắt đầu trở thành trào lưu, có người lên rừng chăn dê, có người xuống biển nuôi tôm, nuôi nghêu, người xắn quần trồng cây, trồng lúa, người tìm đến những khu du lịch xây homestay, khu nghỉ dưỡng, mở nhà hàng…
Đời muôn ngả rẽ, dù ta chọn con đường nào thì một điều chắc chắn rằng, bài toán lập nghiệp chưa bao giờ thành công với những kẻ mộng mơ, thấy bạn làm được mình cũng có giấc mơ màu hồng hơn mà phải hội tụ kiến thức, trí tuệ, quyết tâm, bản lĩnh, sáng tạo, kiên trì và một tài chính đủ vững, tư duy nhạy bén, không ngừng thay đổi và phát triển theo thời đại 4.0.
Bài, ảnh: Lan Anh