"4 năm kể từ khi con trai nhập ngũ, năm nay là cái Tết đầu tiên cả nhà tôi được sum vầy. Mấy năm xa nhà, nỗi nhớ quê hương, gia đình trong Kiên luôn cháy bỏng nhưng chúng tôi luôn động viên Kiên vững tay súng, yên tâm công tác. Tôi hạnh phúc, tự hào lắm vì thấy con đã trưởng thành, mang vẻ rắn rỏi, chững chạc của một quân nhân" - ánh mắt của bà Nguyễn Thị Lữa, mẹ Thiếu úy Phạm Văn Kiên rạng rỡ khi nhắc về người con đang công tác nơi đảo xa.
Sinh ra và lớn lên trong gia đình, có ông nội, ông ngoại, bố là cựu quân nhân, màu áo lính đã khắc sâu vào tâm trí cậu bé Phạm Văn Kiên.
Nuôi dưỡng niềm mơ ước được trở thành lính hải quân ngay từ nhỏ, lớn lên chàng thanh niên Phạm Văn Kiên quyết tâm theo con đường binh nghiệp. Thiếu úy Phạm Văn Kiên cho biết: Ngày học phổ thông, gia đình nghèo lắm, không có điều kiện theo học đại học. Lúc đầu, Kiên tính đi học nghề để vừa học, vừa làm đỡ phần học phí và giúp bố mẹ em nuôi em ăn học. Thế nhưng được sự định hướng của bố mẹ, tháng 3 năm 2010 Kiên đã lên đường nhập ngũ vào Lữ đoàn 147 Hải quân. Trong quá trình huấn luyện, Kiên đã phấn đấu rèn luyện tốt, được đi học chuyên ngành ra đa, Trường Trung cấp kỹ thuật Hải quân.
Sau khi ra trường, Kiên được phân công công tác tại Lữ đoàn 146, vùng 4, Bộ Tư lệnh Hải quân. Năm 2011, Kiên đã viết đơn tình nguyện ra công tác tại Đảo Trường Sa lớn. Năm 2013 đến nay, Kiên nhận nhiệm vụ tại đảo chìm Tốc Tan. Tại những nơi được công tác, mỗi điều kiện, đặc thù của từng đảo đã giúp Kiên rèn luyện bản thân, gắn bó hơn, quyết tâm tiếp tục cống hiến sức trẻ để bảo vệ vùng trời, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.
Hồ hởi, phấn khởi khi chia sẻ với chúng tôi về cuộc sống nơi đảo chìm, Thiếu úy Phạm Văn Kiên chia sẻ: Tốc Tan là cụm đảo chìm 3 điểm, khác với các đảo nổi, ở đây nguồn nước ngọt dùng cho sinh hoạt được khai thác từ nước mưa và vận chuyển từ đất liền ra. Những năm gần đây do được trang bị hệ thống bể chứa nên đảo đã chủ động bảo đảm được 100% nhu cầu nước sinh hoạt. Để tăng gia trồng rau xanh, cán bộ, chiến sỹ đảo Tốc Tan phải vận chuyển từ đất liền ra từng bao đất nhỏ và các giống rau xanh chịu được thời tiết khí khậu khắc nghiệt ngoài đảo như hạt rau cải, rau muống, mồng tơi, bầu đất.
Gắn bó với biển đảo gần 4 năm, Thiếu úy Phạm Văn Kiên xác định "Đảo là nhà, biển cả là quê hương", cùng đồng đội quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Kiên tâm sự: ở đảo xa, tuy thiếu thốn nhiều về tình cảm nhưng chúng tôi có sự động viên lớn vì biết rằng cả nước lúc nào cũng hướng về những người lính hải quân với lòng tin yêu, kỳ vọng. Vì vậy lính đảo chúng tôi nguyện phấn đấu hoàn thành trọng trách được giao. Đầu năm 2013, một niềm vui vô bờ bến khi tôi được tiếp Đoàn cán bộ tỉnh Ninh Bình gồm lãnh đạo một số sở, ngành ra thăm, động viên anh em lính đảo... Tuy khoảng thời gian thăm hỏi của Đoàn công tác ngắn ngủi nhưng những phút giây ấy đã để lại một kỷ niệm đẹp, quý giá không thể quên trong cuộc đời tôi.
Bài, ảnh: Hồng Vân