Tại cuộc họp BCĐ quốc gia phòng, chống cúm ngày 28-10, TS Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Y tế dự phòng và môi trường (Bộ Y tế) cho biết: Dịch cúm A (H1N1) vẫn diễn biến phức tạp, số người mắc được ghi nhận ở 60 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Kết quả giám sát tại 15 điểm giám sát trọng điểm cho thấy 93% số ca cúm được xác định là cúm A (H1N1). Trong khi đó, tuần qua, số trường hợp chết tăng nhanh, chủ yếu vẫn tập trung vào những đối tượng nguy cơ cao (phụ nữ có thai, người có bệnh mãn tính, trẻ em), đến các cơ sở điều trị muộn, thường sau từ ba đến mười ngày kể từ khi khởi phát triệu chứng. Tuy nhiên, theo thống kê của Viện Các bệnh truyền nhiễm và Nhiệt đới quốc gia, hiện có đến 80% số người nhiễm cúm A (H1N1) không cần điều trị tại bệnh viện mà có thể tự nhận thuốc Tamiflu và điều trị tại nhà để tránh quá tải cho bệnh viện. Nhưng theo quy định của ngành y tế phải nằm bệnh viện mới được cấp thuốc, điều này đã gây nên tình trạng quá tải ở nhiều bệnh viện trên địa bàn Hà Nội.
Thứ trưởng Y tế Trịnh Quân Huấn nhận định: Mùa đông tới, khi bệnh cúm vào mùa thì hầu hết người bệnh mắc cúm sẽ là nhiễm vi-rút cúm A (H1N1). Cho nên mọi người dân khi có triệu chứng cúm thì nghĩ ngay đến cúm A (H1N1) để đến cơ sở y tế điều trị. Còn các cơ sở y tế điều trị cho người bệnh ngay theo phác đồ điều trị cúm A (H1N1) mà không cần xét nghiệm. Thời gian tới công tác tổ chức điều trị sẽ xem xét, sắp xếp lại để tạo thuận lợi nhất cho người bệnh. Ngành y tế chưa tính đến việc cấp thuốc Tamiflu để điều trị ngoại trú. Việc điều trị cúm A (H1N1) vẫn phải thực hiện đúng phác đồ để tránh nguy cơ lớn nhất hiện nay là kháng thuốc. Nếu phát thuốc ồ ạt không ai kiểm soát thì chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng kháng Tamiflu. Nếu thế sẽ không còn "vũ khí" để điều trị cúm A (H1N1).
Theo NDĐT