"Lá ngô lay ở bờ sông
Bờ sông vẫn gió
Người không thấy về
Xin người hãy trở về quê
Một lần cuối... một lần về cuối thôi
Về thương lại bến sông trôi
Về buồn lại đã một thời tóc xanh..."
Nhà ông bà ngoại
Nhà ông bà ngoại tôi ở xóm Cầu, một xóm nhỏ hẻo lánh chỉ hơn chục nếp nhà nằm cuối triền đê bên cạnh một dòng sông nhỏ, bốn mùa phù sa đỏ quạch. Bên này sông là xóm Cầu, xã Yên Phú, bên kia sông là làng Hưng Hiền, xã Yên Hưng, huyện Tam Điệp*. Xóm Cầu trong mắt tôi hồi nhỏ như một hòn đảo được bao bọc bởi lũy tre xanh mát dịu.
Ông bà ngoại tôi có 8 người con, cậu tôi hy sinh ở chiến trường Tây Nam bộ năm cậu mới 20 tuổi nên gia đình ông bà ngoại là gia đình liệt sĩ. Bác tôi, mẹ tôi và các cậu, các dì xây dựng gia đình ở xa, còn Dì Bẩy lấy chồng xã bên nên thỉnh thoảng mới về thăm Thầy Bu là ông bà ngoại. Dì út - Dì Tám ở với ông bà và tôi vài mùa hạ rồi cũng lấy chồng ở làng trên gần phố huyện. Mảnh đất phương Nam có điều gì thôi thúc nên Dì Tám cùng chồng cũng bỏ ông bà tôi, bỏ xóm đảo mà đi. Năm dì chuyển vào Nam, tôi còn bé tý.
Những năm 80 của thế kỷ 20, nhà ông bà ngoại tôi cũng như bao gia đình khác trong xóm Cầu đều rất nghèo. Con bé con là tôi hồi đó chỉ 7, 8 tuổi vẫn còn nhớ như in cảm giác mỗi sớm thức dậy bụng đói cồn cào vì những bữa cơm đạm bạc chủ yếu là rau, lạc rim và mắm cáy, một ngày lại chỉ ăn hai bữa. Lâu lâu vài ba ngày, tôi may mắn được ăn vài món ngon, đó là "bánh nếp ếp bánh đa", bún gói trong lá sen cùng dúm mắm tôm...món ngon đó là do bà thím tôi ở xóm trên, mỗi khi đi chợ Chớp thì ghé qua nhà ông bà ngoại để biếu ông cố tôi. Và tôi là đứa trẻ bé bỏng trong nhà được ăn ké phần quà của Cố. Tuần 1 vài lần, bà tôi đi chợ bán được mớ chè, nải chuối, bà mua rạm về rang mẻ hay vài kẹp cá tươi nướng ở chợ về sốt cà chua....đấy là những bữa cơm thịnh soạn nhất mà tôi còn nhớ tận bây giờ.
Mỗi sớm khi trời đất còn tối đen như mực, ông bà tôi đã dậy và lục tục ra đồng. Trong ánh đèn dầu leo lét, bà ghé tai tôi thì thầm: "Hằng ở nhà sáng hái chè, luộc khoai, nấu cơm và trông ông cố nhé. Trưa bà về!"
Chuyện về dòng sông quê
Sở dĩ mùa hè nào tôi cũng đòi về quê ngoại, say mê quê ngoại không phải vì tôi nhớ ông bà mà vì tôi nhớ các anh chị họ nhà bác tôi và lũ bạn cùng tuổi ở xóm Cầu.
Nhà bác Nhan sát bên nhà ông bà ngoại. Bác trai vui tính, hóm hỉnh, lần nào về gặp bác cũng ân cần hỏi han mọi chuyện, nhất là hỏi thăm về bố mẹ tôi. Bác Nhan gái, dáng người thanh, khuôn mặt trái xoan, hiền lành, nhỏ nhẹ vô cùng. Bốn người con của hai bác, được thừa hưởng nét đẹp của cha mẹ nên ai cũng cao ráo, xinh xắn, duyên dáng. Anh Phương là con trai cả, đi bộ đội, ít về nên có khi cả 1 mùa hè tôi không gặp, chỉ có 3 chị: Chị Châm, chị Hoa, chị Huyên, đặc biệt chị Hoa, chị Huyên sàn sàn tuổi tôi nên hè nào chị em tôi cũng hội ngộ.
Khi bố tôi vừa dựng chân chống chiếc xe đạp ở sân nhà ông bà ngoại, tôi chỉ kịp khoanh tay chào ông bà 1 câu rồi chạy ào ngay sang nhà bác Nhan, khoe với hai bác và các anh chị sự có mặt của mình. Để rồi suốt mùa hè tôi quấn quýt bên các chị, đến bữa, bà gọi ồi ồi tôi mới về ăn cơm. Ăn xong, lại năn nỉ bà cho sang ngủ bên nhà bác.
Đêm trăng, trên chiếc giường cạnh cửa sổ, gió từ ngoài sông dội về với lao xao tiếng lá từ vườn chè, vườn mận, cây cối sau nhà, chị em tôi rì rầm những câu chuyện không đầu không cuối và say giấc lúc nào không hay. Ban ngày hai bác và chị Châm, chị Hoa đi làm, tôi và chị Huyên sau khi làm xong nhiệm vụ buổi sáng là hái chè, hãm nước sẽ cùng lũ trẻ trong xóm tha thẩn ngồi trên nắp giếng trước sân nhà, cạnh cây hồng trĩu quả nhặt những nụ hoa trắng như hạt cườm của cây trứng gà để xâu vòng. Chơi chán, chúng tôi lang thang ra bờ sông để hái lá dứa gấp đồng hồ hay nhặt đá chơi ô ăn quan, chơi chuyền, hái quả mây, chặt hóp làm súng...khi nắng rọi trên đầu bỏng rát, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, chúng tôi mới lững thững chia tay về nhà nấu cơm, luộc khoai.
Nói về chuyện nấu cơm, Chị Huyên trong mắt tôi ngày ấy là "chuyên gia", mỗi lần cơm sôi, cạn, tôi lại í ới gọi sang nhà: "Chị Huyên ơi! sang vùi cơm cho em". Có lần chả hiểu chị đi đâu, tôi phải tự mình làm công việc khó. Loay hoay với cái nồi đồng, vừa nặng lại không có quai cầm tôi đánh rơi bịch xuống đống tro nóng. Ôi thôi, tro bay mù mịt vào đầu, vào tóc, vào mặt và phủ kín miệng nồi cơm. Vừa khóc, tôi vừa khều cái nồi ra, đổ cơm sống và nấu lại. Ông tôi đi làm đồng bắt gặp: "Hằng khóc đấy à"? Tôi quệt nước mắt xấu hổ: "Cháu có khóc đâu?
Nhớ về quê Ngoại, tôi thường miên man nhớ về dòng sông nhỏ đục ngầu phù sa bao đời thủy chung ấp iu xóm nhỏ. Buổi sáng, nước rút, dòng sông cạn trơ đáy, lũ chúng tôi chân trần lội cát bắt còng gió, câu cáy và đuổi nhau. Có ngày tụm năm tụm ba xắn quần lội sông chửi nhau với bọn trẻ bên kia bờ.
Khi chiều xuống, bầu trời đen thẫm 1 màu, thủy triều dâng, chúng tôi rủ nhau ra sông tắm. Từ nhà ngoại theo lối mòn nhỏ độ hơn trăm mét là tới bến. Mùa hè, gió từ sông thổi vào mát rượi, quăng vội bộ quần áo vào bụi cây bên đường, chúng tôi nhảy ào xuống nước, đùa với nước. Sông đêm hiền hòa, lặng thinh mơn man da thịt lũ trẻ, vào mùa trăng, như dát bạc, soi rõ khuôn mặt người. Mấy đứa con gái thẹn thùng ra xa bờ, cho nước ngập đến cổ để lũ con trai không nhìn thấy sự cựa mình thay đổi của cô bạn gái lấm lem chiều ấy....
"...Trong tim ai cũng có một dòng sông riêng mình
Tim tôi luôn gắn bó với dòng sông tuổi thơ
Con sông tôi tắm mát
Con sông tôi đã hát
Con sông cho tôi đậm một tình yêu nước non quê nhà..."*
Dòng sông quê tôi muôn đời vẫn chảy, hiền hòa mùa nắng, dữ dội vào mùa mưa. Một ngày tháng 9 lang thang trên triền đê nhỏ, cỏ và gió bời bời xa hút. Lòng tự hỏi lòng: Đâu rồi những gương mặt thân quen của đời tôi, của tuổi thơ tôi...?
Bên kia sông, chợ Chớp thì vẫn chớp mỗi ngày nhưng cố tôi, ông bà Ngoại và hai bác tôi đã thành người thiên cổ./.
Lệ Hằng
(Tác phẩm tham dự cuộc thi viết, sáng tác nhân kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh)