Thầy giáo Bùi Văn Trực, hiệu trưởng Tiểu học Yên Nhân cho biết: Công tác giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật được triển khai từ năm 1998. Nhà trường đã tiếp nhận các cháu khuyết tật vào học, được bố trí tiếp xúc, học tập và tham gia các hoạt động hàng ngày theo thời khóa biểu của lớp như những học sinh bình thường khác; Sắp xếp các học sinh khuyết tật học đều ở các lớp, nhằm tạo cơ hội cho các em vượt qua những e ngại về tâm lý, trở ngại về thể lực để hòa nhập nhanh nhất với bạn bè trong trường. Hiện, Trường đang tiếp nhận và dạy học cho 11 học sinh khuyết tật: Các dạng tật trí tuệ là 9 cháu, khiếm thính 3 cháu, trong đó có 1 cháu bị 2 dạng tật. Để động viên, khuyến khích các em tích cực đến trường, từ nhiều năm nay, Ban giám hiệu và giáo viên nhà trường đã thực hiện miễn giảm một số khoản đóng góp cho các em. Ngoài ra còn phát động giáo viên, học sinh trong trường quyên góp ủng hộ quần áo, tiền, sách, vở, đồng phục… tặng cho các em. Hàng năm, trường đều dành các phần thưởng khích lệ các em đã có cố gắng và đạt thành tích tốt trong quá trình học.
Cô giáo Phạm Thị Liên, giáo viên có thâm niên trực tiếp dạy các lớp có trẻ khuyết tật hòa nhập chia sẻ: Có thể nói, giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật không phải là một việc dễ. Thời gian đầu, các cháu gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức, giao lưu, hòa nhập với bạn bè. Do vậy các giáo viên vừa phải có phương pháp đặc biệt để truyền đạt kiến thức cho các cháu, vừa phải là những chuyên gia tâm lý, giúp các cháu xóa bỏ mặc cảm, tự ti để nhanh chóng hòa nhập với các bạn trong lớp. Đối với các cháu khiếm thính, khó khăn nhất là môn đòi hỏi nghe, nhớ là môn Toán, Tiếng Việt, Sử, Địa. Để giúp các em hiểu bài, bên cạnh việc lấy ví dụ thực tế, gần gũi với cuộc sống hàng ngày, tranh thủ giờ ra chơi, giáo viên phải dành nhiều thời gian để giảng giải trực tiếp cho các em theo kiểu một thầy, một trò; còn các bạn ngồi cạnh có nhiệm vụ giảng giải thêm và hướng dẫn, giúp đỡ bạn trong các tiết học.
Trường THCS Yên Nhân được biết đến không chỉ là trong những ngôi trường có chất lượng giáo dục khá toàn diện của huyện mà đây còn là "địa chỉ" của các em học sinh khuyết tật ở xã Yên Nhân và một số địa phương lân cận từ nhiều năm nay. Thầy giáo Ninh Văn Vàng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Năm 2008, Trường THCS Yên Nhân là một trong 5 trường của tỉnh được chọn thực hiện kế hoạch "thử nghiệm mô hình giáo dục hòa nhập học sinh khuyết tật cấp THCS" do Vụ giáo dục Trung học (Bộ giáo dục và đào tạo) và tổ chức cứu trợ và phát triển CRS (Mỹ) phối hợp thực hiện. Đến nay, giai đoạn 1 đã được hoàn thành và tiếp tục được triển khai giai đoạn 2. Năm học 2010-2011, nhà trường đã tiếp nhận và dạy học 17 cháu khuyết tật, trong đó 3 cháu thiểu năng trí tuệ, còn lại các dạng tật khiếm thính, khiếm thị, ngôn ngữ và khuyết tật chân, tay. Những năm qua, để thực hiện công tác giáo dục hòa nhập cho các cháu khuyết tật, tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường đã từng bước xây dựng phương pháp giáo dục đặc biệt, các kinh nghiệm trong quá trình dạy kiến thức cho các cháu. Một số cán bộ, giáo viên được cử đi học các lớp tập huấn của Bộ, Sở Giáo dục và Đào tạo về cách thức, phương pháp dạy học cho các cháu khuyết tật.
Chúng tôi được trực tiếp trò chuyện với 2 học sinh khuyết tật ở khối lớp 9, khi các em đang ôn luyện để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Tâm sự với chúng tôi, các em khoe: Năm học vừa qua, chúng em đều đạt học lực khá và sẽ quyết tâm thi đỗ vào THPT. Riêng em Vũ Thị Cúc, học sinh lớp 9A, bị khuyết tật mắt, 9 năm liền đều đạt học sinh tiên tiến, năm học vừa rồi, chỉ còn thiếu chút nữa thôi là đạt học sinh giỏi… Không chỉ thông minh, chăm học, em còn là một học sinh gương mẫu trong lớp, được thầy cô và bạn bè quý mến.
Còn em Trương Thị Xuân Quỳnh, học sinh khiếm thính lớp 9D thì giữ riêng cho mình ước mơ trở thành một cô giáo, để được giúp đỡ chính những người cùng cảnh ngộ với mình, sống có ích và xứng đáng với tình cảm yêu thương của các thầy, cô giáo và bạn bè. Em Quỳnh tâm sự: ở ngôi trường này, chúng em không chỉ được học kiến thức mà còn được hòa nhập với các bạn cùng trang lứa, được vui chơi với các bạn và sống trong tình cảm yêu thương của thầy, cô giáo, bạn bè… Chính sự đồng cảm, gắn bó của thầy cô, bạn bè đã giúp chúng em vượt qua chính mình để sống vui vẻ, hòa nhập với cộng đồng.
Bài, ảnh: Hà Mi