Nhằm khắc phục tình trạng này, ngay từ năm 2003, huyện Yên Mô đã thực hiện công tác dồn điền, đổi thửa. Toàn huyện có 8.637,04 ha đất sản xuất nông nghiệp (trong đó có 7.187,7 ha là đất 2 lúa, 183,73 ha đất lúa, màu, 372,1 ha đất chuyên màu) với 28.460 hộ, gia đình nông dân, thì sau thực hiện dồn điền , đổi thửa, bình quân mỗi hộ còn 3,8 thửa, giảm 6,8 thửa/hộ. Tuy nhiên, bình quân số thửa/hộ của toàn huyện vẫn còn ở mức cao; đồng ruộng vẫn manh mún; việc quản lý đất công ích còn nhiều bất cập... Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM), trước yêu cầu của việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho nông nghiệp, nông thôn và việc phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người nông dân, huyện Yên Mô đã có chủ trương tiếp tục triển khai và thực hiện công tác dồn điền, đổi thửa trên phạm vi toàn huyện. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Đinh Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo "Dồn điền, đổi thửa" huyện cho biết: Ngày 21-3-2013, Huyện ủy Yên Mô đã có Chỉ thị 09-CT/HU về việc tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác "Dồn điền, đổi thửa". Mục tiêu là phấn đấu bình quân còn không quá 2 thửa ruộng/hộ. Mục đích là nhằm tiếp tục khắc phục tình trạng manh mún ruộng đất; tạo điều kiện để hình thành các vùng sản xuất tập trung, tạo ra nhiều sản phẩm có tính hàng hóa cao với việc đưa máy móc vào đồng ruộng, thực hiện cơ giới hóa các khâu sản xuất; tiếp thu, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ để tăng hiệu quả, giá trị sản xuất; tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người nông dân; thực hiện thành công Chương trình mục tiêu Quốc gia XDNTM; đồng thời thông qua đây dồn đổi lại nguồn quỹ đất công ích, đất quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng làm cơ sở cho việc quản lý đất nông nghiệp theo quy hoạch.
Huyện cũng đề ra yêu cầu, trên cơ sở đất nông nghiệp được giao sử dụng ổn định theo Quyết định 313 của UBND tỉnh để thực hiện "Dồn điền, đổi thửa" đảm bảo công khai, dân chủ với tinh thần tự nguyện, tự giác, thỏa thuận và tuân theo những quy định của pháp luật; gắn việc "Dồn điền, đổi thửa" với công tác chỉnh trang lại đồng ruộng (bờ vùng, bờ thửa, hệ thống kênh mương, đường giao thông nội đồng -nếu có thể), thực hiện theo quy hoạch XDNTM; khuyến khích nhóm hộ gia đình, anh em, dòng họ nhận ruộng vào một vùng; quá trình thực hiện không để ảnh hưởng đến các vụ sản xuất. Tất cả các xã, HTX trên địa bàn huyện đều phải tổ chức, triển khai thực hiện công tác này và huyện cũng đã chọn 6 xã: Yên Thắng, Yên Từ, Yên Phong, Khánh Thịnh, Khánh Dương, Yên Thái, mỗi xã có ít nhất 1 HTX chỉ đạo, lãnh đạo làm điểm. Năm 2014 tổ chức rút kinh nghiệm và triển khai đồng loạt trên phạm vi toàn huyện. Ngay trong tháng 4-2013, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 430/KH-UBND nhằm thực hiện Chỉ thị của Huyện ủy và sau đó là thành lập Ban chỉ đạo cấp huyện, phân công nhiệm vụ cho các thành viên, thành lập tổ công tác giúp Ban chỉ đạo. Tổ chức quán triệt Nghị quyết của Huyện ủy và Kế hoạch của UBND huyện tới cán bộ chủ chốt các xã, thị trấn. Mở các lớp tập huấn về nghiệp vụ thực hiện "Dồn điền, đổi thửa" cho cán bộ chuyên môn và cán bộ chủ chốt ở cơ sở. Triển khai mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân.
Đến nay, tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã thành lập Ban chỉ đạo cũng như các tiểu ban giúp việc; thực hiện thống kê diện tích, vị trí, hiện trạng sử dụng đất nông nghiệp của từng hộ; diện tích đất chuyển nhượng, chuyển đổi, đất thu hồi theo quy định; thống kê nhu cầu sử dụng đất làm đường giao thông, thủy lợi, hộ hiến đất nông nghiệp đang sử dụng để phục vụ theo quy hoạch XDNTM; thống kê số hộ, diện tích cần điều chuyển cho phù hợp giữa khẩu và địa dư hành chính; cân đối diện tích đất ruộng của từng hộ và lập phương án "Dồn điền, đổi thửa" gắn với chỉnh trang lại đồng ruộng...
Đã có nhiều xã tổ chức họp dân triển khai Chỉ thị của Huyện ủy, Kế hoạch của UBND huyện và lấy ý kiến của nhân dân với sự đồng tình nhất trí cao. Đồng chí Đoàn Thị Chiến, Bí thư Đảng ủy xã Yên Hòa cho biết: Yên Hòa không phải là xã điểm của huyện, nhưng từ tháng 5-2013 Ban chỉ đạo xã và các tiểu ban đã được thành lập; đã tổ chức họp dân cùng các tổ chức Đảng, đoàn thể lấy ý kiến, góp ý cho chủ trương, phương án triển khai thực hiện "Dồn điền, đổi thửa" của xã.
Hiện tại, phương án "Dồn điền, đổi thửa" của các xã đã được lập và đang chờ phê duyệt. Dự kiến, sau khi kết thúc vụ mùa 2013, sẽ thực hiện chỉnh trang lại đồng ruộng và tiến hành giao ruộng trên thực địa cho người nông dân. Cũng theo đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Yên Hòa, thì việc "Dồn điền, đổi thửa" lần này có những điều kiện thuận lợi: cơ sở hạ tầng (giao thông, thủy lợi, trạm bơm, tưới tiêu...) phục vụ cho sản xuất nông nghiệp trong nhiều năm qua đã được đầu tư, nâng cấp, cải tạo khá hoàn chỉnh và đồng bộ; đồng ruộng, chất đất được cải tạo khá đồng đều; nhận thức và ý thức của người nông dân đã được nâng cao... do đó đã nhận được sự đồng thuận và nhất trí cao của người dân.
Chương trình mục tiêu Quốc gia XDNTM đã và đang được triển khai mạnh ở các địa phương. Một trong những tiêu chí khó khăn nhất của Chương trình này là nâng cao thu nhập cho người nông dân. Tiếp tục thực hiện "Dồn điền, đổi thửa" nhằm tạo ra những thửa ruộng lớn, cánh đồng mẫu lớn giúp người nông dân tiếp cận với nền sản xuất lớn, sản xuất hàng hóa có năng suất, sản lượng, giá trị và hiệu quả cao trên cơ sở đưa máy móc, KHKT vào đồng ruộng là giải pháp cơ bản trong nông nghiệp, nông thôn nhằm nâng cao thu nhập cho người nông dân và thực hiện thành công Chương trình mục tiêu Quốc gia XDNTM.
Đinh Chúc