Theo báo cáo của huyện Yên Mô, ổ dịch đầu tiên phát hiện vào ngày 23/4/2019 tại hộ ông Phạm Văn Quang ở xóm 4, Tịch Chân, xã Khánh Thượng với 43 con lợn đã bị tiêu hủy theo đúng quy định. Huyện Yên Mô đã công bố dịch tả lợn châu Phi tại hộ ông Phạm Văn Quang và chỉ đạo xã Khánh Thượng lập 2 chốt kiểm dịch tạm thời, nghiêm cấm mọi hoạt động mua bán, vận chuyển lợn và các sản phẩm của lợn ra vào xóm 4. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát dịch bệnh và thực hiện vệ sinh tiêu độc, khử trùng trên địa bàn toàn xã.
Cũng tại xã Khánh Thượng, ngay trong buổi chiều ngày 26/4/2019 phát hiện hộ ông Nguyễn Văn Sức ở xóm 5, Bình Khang nuôi 45 con lợn, trong đó có nhiều con bị ốm, chết. Huyện đã chỉ đạo triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống, dập dịch, thực hiện công bố dịch khi có kết quả xét nghiệm của Cục Thú y vùng I và tổ chức tiêu hủy toàn bộ số lợn trên theo đúng quy định.
Tiếp tục trong các các ngày từ 28/4 đến ngày 1/5, trên địa bàn huyện xuất hiện tình trạng một số hộ chăn nuôi có lợn bị ốm chết. Trước tình hình dịch bệnh, Yên Mô đã chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức lực lượng tiêu hủy ngay những con lợn bị chết; hướng dẫn hộ chăn nuôi tiếp tục chăm sóc, điều trị và theo dõi đàn lợn, nuôi nhốt lợn tại chuồng trại, không được bán chạy, giết mổ, vứt xác chết ra môi trường; thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc chuồng trại, khu vực chăn nuôi hàng ngày, thường xuyên báo cáo tình hình đàn lợn với nhân viên thú y xã và UBND các xã.
Như vậy, tính từ ngày 23/4/2019 đến nay, trên địa bàn huyện đã có 11 hộ có lợn bị ốm, chết nghi mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi, trong đó có 2 hộ có lợn bị dương tính. Các hộ còn lại đang chờ kết quả xét nghiệm. Toàn huyện có 106 con lợn bị chết và tiêu hủy với trọng lượng 5.572 kg.
Trước đó, ngay sau khi bệnh dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại tỉnh Hưng Yên và Thái Bình, huyện Yên Mô đã ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo các xã, thị trấn và các cơ quan chuyên môn tổ chức thực hiện công tác phòng chống dịch.
Huyện đã hỗ trợ 50 tấn vôi bột, tiếp nhận 4.750 lít hóa chất do tỉnh và Trung ương hỗ trợ cấp phát cho các xã, thị trấn thực hiện công tác tiêu độc khử trùng phòng chống dịch. Ngoài ra, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để người dân hiểu, biết và không giấu khi có dịch tả lợn châu Phi xuất hiện. Kịp thời báo cáo cơ quan chức năng xử lý nhanh chóng theo quy định, không để dịch lây lan. Thông qua công tác thông tin, tuyên truyền, người dân không quay lưng lại với thịt lợn, với người chăn nuôi lợn.
Ông Phạm Trọng Nguyên, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Mô cho biết: Bệnh dịch tả lợn châu Phi là loại bệnh chưa có vắc xin tiêm phòng và thuốc điều trị, khó khống chế triệt để nên diễn biến dịch khó lường và phức tạp.
Do đó, Yên Mô xác định phòng chống dịch tả lợn châu Phi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hiện nay. Huyện chỉ đạo các đơn vị, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên đài truyền thanh huyện, đài truyền thanh xã, thị trấn ít nhất 3 lần/ngày về các biện pháp phòng chống dịch, trách nhiệm của hộ chăn nuôi trong phòng, chống dịch, chính sách hỗ trợ của Nhà nước nếu lợn mắc bệnh dịch tả châu Phi phải tiêu hủy để nhân dân biết, tự giác thực hiện.
Yên Mô chỉ đạo các xã, thị trấn tập trung thực hiện quyết liệt công tác phòng chống dịch, phân công rõ trách nhiệm, địa bàn phụ trách cho từng cán bộ; lập kế hoạch cụ thể, chi tiết thành lập các chốt kiểm dịch tạm thời tại các thôn xóm khi dịch xuất hiện tại 1 thôn xóm, thành lập chốt trên các trục đường chính của xã khi dịch xuất hiện ở nhiều thôn xóm trên địa bàn; thành lập tổ tiêu hủy lợn bị dịch.
Đồng thời thống kê số hộ, số lượng đàn lợn hiện đang nuôi trên địa bàn và triển khai cho 100% số hộ chăn nuôi lợn ký cam kết báo cáo ngay khi có lợn ốm, không giấu dịch, tuyệt đối không bán chạy lợn ốm chết, không vứt xác lợn chết ra môi trường. Tăng cường công tác quản lý nhân viên thú y hành nghề tự do trên địa bàn, yêu cầu thực hiện đúng quy định về vệ sinh thú y, thực hiện nghiêm túc việc sát trùng dụng cụ hành nghề, quần áo, giầy dép, găng tay… trước, sau mỗi lần thăm khám, điều trị lợn ốm.
Các xã, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện kịp thời dịch bệnh. Hạn chế người không có nhiệm vụ ra vào ổ dịch, khi ra vào ổ dịch phải mang đầy đủ bảo hộ lao động và phải tiêu hủy trước khi ra khỏi ổ dịch. Thực hiện công tác tiêu độc khử trùng tại hộ nuôi có lợn bị ốm chết, chợ, nơi công cộng ...bằng hóa chất và vôi bột để tiêu diệt mầm bệnh trong môi trường.
Bên cạnh đó, Yên Mô chỉ đạo thành lập Tổ kiểm tra lưu động cấp huyện và cấp xã để kiểm tra việc mua bán, vận chuyển gia súc, gia cầm, nhất là đàn lợn tại các chợ, các điểm tập kết, các lò mổ gia súc trên địa bàn, đặc biệt là thời gian từ 2-5 giờ hàng ngày tại các lò mổ lợn.
Giáng Hương