Những ngày này, Chi nhánh Công ty KTCTTL đang khẩn trương chuẩn bị máy móc, thiết bị, nạo vét kênh mương và xây dựng phương án phòng, chống hạn cho các địa phương trong huyện.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Mạnh Hùng, Trưởng Chi nhánh Công ty KTCTTL Yên Mô cho biết: Yên Mô là một huyện có địa hình phức tạp, cốt đất không đều, tạo nên những khu vực trũng cục bộ, gây ảnh hưởng lớn đến công tác tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Để đảm bảo đủ nước phục vụ sản xuất vụ đông xuân, Chi nhánh Công ty KTCTTL Yên Mô đang tích cực triển khai các phương án phòng, chống hạn. Hiện nay chi nhánh KTCTTL huyện Yên Mô đang quản lý và khai thác 32 trạm bơm tưới tiêu kết hợp, trong đó có 7 trạm bơm chuyên tưới với tổng công suất lắp đặt là 20.400 m3/h; 15 trạm bơm tưới, tiêu kết hợp với tổng số công suất lắp đặt là 8.700 m3/h. Chi nhánh đã tổ chức sửa chữa, bảo dưỡng máy móc, thiết bị đảm bảo đủ cơ số phục vụ tưới như kế hoạch và sẵn sàng phục vụ khi có nhu cầu. Bên cạnh đó, Chi nhánh đã chuẩn bị trên 100 máy bơm sẵn sàng phục vụ khi có hạn hán xảy ra, trong đó có 36 máy chuyên tiêu và 80 máy tưới, tiêu kết hợp. Chi nhánh quản lý 2 hệ thống hồ (hồ Yên Thắng và hồ Yên Đồng), để đảm bảo nước tưới, Chi nhánh đã dự trữ nước ở cao trình mực nước thiết kế. Với lượng nước hiện nay của các hồ có thể đủ điều kiện tưới cho diện tích đảm nhiệm hàng năm ở vụ đông xuân và vụ mùa. Đối với hồ Yên Đồng đã được nâng cấp toàn bộ hệ thống đê và cống tưới, đến nay đã đưa vào sử dụng với mực nước dự trữ hiện tại là 2,5 m.
Chi nhánh cũng tổ chức nạo vét, tu sửa kênh mương, khơi thông dòng chảy, đặc biệt là các cửa cống lấy nước, kênh dẫn, bể hút và kênh tưới trạm bơm như: nạo vét các kênh dẫn (kênh Yên Lâm, Yên Mạc...); 14 tuyến kênh tưới (kênh Yên Phong, Yên Phú, Mả Nhồi, Cống Gõ...). Hệ thống kênh dẫn bằng đất nhìn chung đã được nạo vét, đủ điều kiện cung cấp nước cho các trạm bơm.
Chi nhánh đã xây dựng phương án phòng, chống hạn cụ thể cho từng vùng, từng khu vực. Kết hợp với các HTX nông nghiệp tập trung lấy nước thủy triều vào những ruộng trũng, ao hồ, kênh rạch để dự trữ thông qua 4 cống dưới đê: Cống Vĩnh Lợi, cống Hốc, cống Khẩn và cống Cầu Đằng. Theo dõi diễn biến mặn từ khi phục vụ đến tháng 5 tại các điểm Yên Thái, Cầu Đằng để lấy nước thủy triều khi độ mặn cho phép. Nếu thời tiết diễn biến phức tạp như rét đậm kéo dài, mực nước thủy triều xuống thấp cần phải chủ động bơm sớm cho khu vực cao, xa (vùng Yên Lâm cuối sông Cải Cánh, vùng Yên Phong, Yên Phú). Với những khu vực khó khăn về nguồn nước (Yên Lâm, Yên Mạc), khu vực cuối kênh đào cần có biện pháp khắc phục trước khi bước vào vụ bằng cách chủ động lấy nước sớm hơn so với khu vực đầu nguồn một con nước. Những trạm bơm có nhiều đơn vị dùng nước (Yên Lâm, Yên Phú, Yên Phong) có thể lấy nước sớm hơn so với lịch làm đất và giải quyết cho những khu vực cao, xa lấy trước. Hiện nay Chi nhánh đã đảm bảo đủ nước cho từ 70-80% diện tích để các HTX làm đất, còn lại là diện tích cây đông sẽ làm đất sau và lấy nước theo kế hoạch và yêu cầu của từng HTX. Trong thời gian tới, dự báo thời tiết có diễn biến phức tạp, vì vậy Chi nhánh yêu cầu các đơn vị HTX dùng nước tiết kiệm, có kế hoạch lấy nước hợp lý, đặc biệt là việc lấy nước ở 2 hồ dự trữ.
Hương Giang