Yên Mô là huyện thuần nông, số lượng gia súc, gia cầm tương đối lớn. Ước tính hiện nay toàn huyện có gần 500 nghìn con gia cầm, thủy cầm và hàng nghìn con gia súc. Trong những năm qua, chăn nuôi phát triển tương đối ổn định, giúp địa phương chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, giải quyết việc làm, tăng thêm thu nhập cho người dân. Để bảo vệ đàn vật nuôi, một trong những biện pháp quan trọng mà Yên Mô đã triển khai đó là tăng cường công tác tiêm phòng 2 vụ/năm. Hàng năm, huyện đã kịp thời ban hành và chỉ đạo triển khai thực hiện kế hoạch tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm. Trong đó các đơn vị, địa phương đều phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, đồng thời tiến hành rà soát, thống kê, nắm chắc số lượng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn. Huyện cũng tăng cường công tác tuyên truyền và chỉ đạo các đơn vị chuyên môn mở các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật tiêm phòng, cách bảo quản vắc xin, trang bị bảo hộ cho cán bộ thú y cơ sở, người tham gia tiêm phòng. Do vậy, công tác tiêm phòng cho gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện luôn đạt kết quả cao.
Theo ông Nguyễn Ngọc Thuyết, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Yên Mô: Trong vụ Thu Đông năm nay, do chậm vắc xin từ nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ, huyện đã có công văn về việc điều chỉnh thời gian tiêm phòng, thời gian tiêm phòng vắc xin cho gia súc, gia cầm đẩy lùi lại so với kế hoạch. Khi có vắc xin huyện đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tiêm phòng để chủ động phòng, chống dịch bệnh đàn gia súc, gia cầm. Trong đó yêu cầu các xã, thị trấn tập trung triển khai tiêm phòng vắc xin, phấn đấu 100% số gia súc, gia cầm trong diện tiêm được tiêm phòng theo kế hoạch. Đồng thời chỉ đạo cán bộ chuyên môn, trưởng các thôn, xóm, đội sản xuất thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm đến từng hộ chăn nuôi. Khi phát hiện có gia súc, gia cầm bị ốm, nghi mắc dịch bệnh phải báo cáo kịp thời cho các cấp chính quyền và cơ quan chuyên môn, tổ chức lực lượng khoanh vùng xử lý triệt để, không để dịch bệnh lây lan.
Đến nay, công tác tiêm phòng vụ Thu Đông được các xã, thị trấn tích cực triển khai, hầu hết các hộ chăn nuôi đồng tình ủng hộ và tạo điều kiện để cán bộ thú y thực hiện nhiệm vụ. Tính đến ngày 16/12, toàn huyện đã triển khai tiêm phòng trên 15 nghìn liều vắc xin dịch tả lợn, hơn 4 nghìn liều vắc xin tụ huyết trùng trâu, bò, trên 480 liều vắc xin lở mồm, long móng và trên 213 nghìn lượt con gia cầm, thủy cầm được tiêm vắcxin cúm gia cầm (đạt 113% so với kế hoạch). Hiện nay, Yên Mô đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tiêm phòng bổ sung cho những đối tượng nuôi chưa được tiêm và những con nuôi mới nhập đàn, đảm bảo theo đúng kế hoạch đã đề ra.
Bên cạnh công tác tiêm phòng, Yên Mô xác định bảo vệ đàn vật nuôi phải thực hiện từ chính người chăn nuôi, do vậy huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền cho nhân dân về công tác vệ sinh, phòng bệnh, không chủ quan với dịch bệnh. Từ đó nâng cao ý thức và nhận thức của người chăn nuôi về công tác phòng, chống dịch bệnh, tích cực triển khai các biện pháp đã được khuyến cáo. Đồng thời, tổ chức tốt công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng nhằm tiêu diệt mầm bệnh có trong môi trường để chủ động phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, hạn chế thấp nhất dịch bệnh phát sinh và lây lan trên địa bàn. Việc triển khai phun thuốc tiêu độc khử trùng bằng hóa chất được thực hiện chủ yếu cho nơi có ổ dịch cũ, nơi có nguy cơ phát dịch cao, khu vực chăn nuôi tập trung, hộ chăn nuôi gia đình, chợ buôn bán, tập kết, thu gom gia súc, gia cầm, cơ sở giết mổ tập trung, cơ sở ấp trứng gia cầm, các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật...
Từ nay đến cuối năm là cao điểm phòng, chống dịch bệnh vì nguy cơ bùng phát và lây lan dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm rất cao do công tác vận chuyển gia súc, gia cầm và các sản phẩm gia súc, gia cầm nhiều hơn những tháng bình thường. Do vậy trong thời gian tới, ngành thú y huyện tiếp tục phối hợp với các xã, thị trấn tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, trong đó chú trọng công tác kiểm tra, kiểm soát tình hình chăn nuôi, tình hình vận chuyển gia súc, gia cầm và tình hình dịch bệnh phát sinh để có biện pháp xử lý kịp thời, tránh lây lan ra diện rộng.
Giáng Hương