P.V: Xin đồng chí cho biết trong những năm qua huyện Yên Mô đã có định hướng như thế nào trong phát triển kinh tế?
Đ/c Đỗ Trọng Luận: Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Yên Mô lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2015- 2020, huyện Yên Mô định hướng tập trung phát triển nông nghiệp toàn diện, đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa, quan tâm chương trình xây dựng nông thôn mới.
Xây dựng các cụm công nghiệp, điểm công nghiệp, khu du lịch, đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, tạo bước chuyển biến mới về cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản xuất, tăng tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ; đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, đảm bảo tính bền vững và có hiệu quả cao.
Xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, trước hết là nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên… tạo nên sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
P.V: Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ và chính quyền huyện Yên Mô, kinh tế nông nghiệp đã có những khởi sắc, xin đồng chí cho biết một số kết quả nổi bật?
Đ/c Đỗ Trọng Luận: Những năm qua, sản xuất nông nghiệp chuyển dịch theo hướng phát triển hàng hóa, cơ cấu cây trồng, mùa vụ có sự chuyển dịch mạnh, tập trung khai thác mọi tiềm năng, thế mạnh của địa phương, nâng cao giá trị thu nhập trên 1 đơn vị canh tác; đảm bảo vững chắc về an ninh lương thực. Sản xuất lương thực được mùa, diện tích lúa chất lượng cao được mở rộng (tăng từ 61% năm 2015 lên 64,5% năm 2018). Thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp.
Đến nay, toàn huyện đã chuyển đổi được 635 ha đất cấy lúa kém hiệu quả sang sản xuất lúa - cá, trồng cây ăn quả kết hợp với nuôi trồng thủy sản. Thực hiện thành công mô hình canh tác 4 vụ/năm với quy mô 34,8 ha cho giá trị thu hoạch đạt trên 300 triệu đồng/ha/năm.
Chăn nuôi tiếp tục phát triển theo hướng công nghiệp, trang trại, gia trại. Diện tích nuôi trồng thủy sản được mở rộng, năm 2017 đạt trên 1.212 ha; sản lượng đạt 4.458 tấn, tăng 622 tấn so với năm 2015.
Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đến hết năm 2018 ước đạt 1.285 tỷ đồng, chiếm 26,7% cơ cấu kinh tế. Thu nhập bình quân đầu người đến hết năm 2018 đạt 37 triệu đồng.
Công tác xây dựng nông thôn mới đạt được những kết quả khá toàn diện. Đến nay đã có 10/16 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân các xã đạt 17/19 tiêu chí, đạt 62,5%. Tập trung chỉ đạo xã Yên Từ xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu và khu dân cư kiểu mẫu ở các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới.
P.V: Thưa đồng chí, Yên Mô đã có những giải pháp nào để thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp?
Đ/c Đỗ Trọng Luận: Song hành với phát triển nông nghiệp, huyện Yên Mô đã có nhiều chính sách thu hút các dự án, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.
Đến nay toàn huyện có 232 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, may xuất khẩu, sản xuất khí công nghiệp, xây lắp công trình, tăng 123 doanh nghiệp so với năm 2008. Trên địa bàn huyện đã có 13 làng được công nhận là làng nghề cấp tỉnh, tăng 10 làng so với năm 2008, tạo việc làm cho 5.000 lao động thường xuyên và hơn 10.000 lao động thời vụ, thu nhập bình quân từ 3-5 triệu đồng/người/tháng. Giá trị sản xuất công nghiệp - TTCN và xây dựng trên địa bàn năm 2018 ước đạt 2.135 tỷ đồng.
Để thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư, mở rộng sản xuất, Yên Mô đã thực hiện giải pháp như: Quy hoạch, phát triển các cụm công nghiệp và điểm công nghiệp. Đến nay, Yên Mô đã quy hoạch 4 cụm công nghiệp, bao gồm: Mai Sơn, Khánh Thượng, Yên Lâm, Yên Thổ (thị trấn Yên Thịnh) với tổng diện tích gần 160 ha và quy hoạch 17 điểm công nghiệp với tổng diện tích đến năm 2020 trên 200 ha. 17/17 xã, thị trấn quy hoạch đất dành cho sản xuất, kinh doanh.
Tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Hệ thống đường giao thông liên huyện, liên xã đã cơ bản đạt chuẩn, đảm bảo kết nối, giao thương thuận lợi, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
P.V: Năm 2019 được xem là năm nước rút, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu chủ yếu của nhiệm kỳ 2015-2020, xin đồng chí cho biết những nhiệm vụ trọng tâm huyện Yên Mô sẽ triển khai trong thời gian tới?
Đ/c Đỗ Trọng Luận: Năm 2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế của toàn huyện ước đạt 8,95%. Kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, trong đó nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 27,3%; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng đạt 46,5%; dịch vụ đạt 26,2%. Bước sang năm 2019, là năm có ý nghĩa quan trọng trong lộ trình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015- 2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm giai đoạn 2016- 2020; năm Đảng bộ và nhân dân trong huyện kỷ niệm 25 năm tái lập huyện.
Phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, năm 2019 toàn huyện phấn đấu: Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8,16%; đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới. Tăng cường thu hút các nguồn lực để đầu tư cho phát triển; mở rộng quy mô, nâng cao giá trị sản xuất CN- TTCN và chất lượng dịch vụ.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Giáng Hương (thực hiện)