Từ giữa tháng 5, sau thời gian gần 3 tháng tạm nghỉ do dịch bệnh COVID-19, các công nhân, lao động tại Công ty TNHH MTV Minh Thúy, xã Khánh Dương (huyện Yên Mô) mới bắt đầu đi làm trở lại, nhưng công việc vẫn chưa thường xuyên và đầy đủ như trước khi xảy ra dịch bệnh. Chị Lã Thị Hồng Minh, Giám đốc Công ty cho biết: Công ty chuyên sản xuất các mặt hàng may mặc xuất khẩu sang thị trường các nước Anh, Đức, Pháp, Nhật..., Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, lượng hàng tồn chưa xuất đi được lên đến trên 150 nghìn sản phẩm, thiệt hại hàng tỷ đồng. Để tạo việc làm cho người lao động và duy trì sản xuất, hiện Công ty nhận thêm các đơn hàng khẩu trang y tế và đồ bảo hộ y tế xuất khẩu, với hy vọng, chờ dịch bệnh trên thế giới được khống chế.
"Cái khó hiện nay cho doanh nghiệp là hàng sản xuất ra không tiêu thụ được, ảnh hưởng đáng kể đến doanh thu của Công ty và thu nhập của người lao động. Trong khi đó, nếu không tạo việc làm và mức thu nhập ổn định, người lao động sẽ tìm việc chỗ khác. Sau này, khi thị trường sản xuất ổn định trở lại, việc tìm người mới để đào tạo nghề sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp. Hơn nữa, số lao động tại đây đều là người dân trên địa bàn xã, có người đã gắn bó gần chục năm với doanh nghiệp, trong đó có gần chục lao động tàn tật, bệnh hiểm nghèo được Công ty hỗ trợ, tạo điều kiện để có thu nhập, đảm bảo cuộc sống... Nếu cứ kéo dài tình trạng này, doanh nghiệp thực sự gặp khó..."- chị Hồng Minh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Minh Thúy chia sẻ.
Được biết, là Công ty chuyên gia công các mặt hàng may mặc xuất khẩu sang thị trường các nước châu Âu và Nhật Bản, thời điểm tháng 3, tháng 4, do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Công ty TNHH MTV Minh Thúy phải cho hàng trăm lao động nghỉ việc tạm thời. Các sản phẩm may mặc sản xuất ra không xuất tiêu thụ được, chất đống trong kho, trong khi các chi phí sản xuất, bảo quản và lương cho người lao động chỉ giảm được một phần, do đó Công ty gặp nhiều khó khăn. Mặc dù số lượng công nhân đông, với gần 100 lao động, nhưng số lao động đủ các điều kiện nhận hỗ trợ của Chính phủ không nhiều. Toàn Công ty chỉ có 20 trường hợp đủ điều kiện được Công ty đề xuất hỗ trợ theo quy định. Tuy nhiên, khi Phòng Lao động, Thương binh và xã hội (LĐTB&XH) huyện Yên Mô và các đơn vị liên quan xác minh, phỏng vấn, điều tra và xác nhận, chỉ có 7 lao động đủ điều kiện nhận hỗ trợ theo gói hỗ trợ của Chính phủ.
Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, không chỉ chủ doanh nghiệp gặp khó khăn mà người lao động cũng bị giảm nguồn thu đáng kể. Chị Đinh Thị Mai, xã Khánh Dương (huyện Yên Mô) cho biết: Tôi đã làm việc tại Công ty TNHH MTV Minh Thúy được hơn 10 năm nay, với mức lương trước khi xảy ra dịch bệnh từ 10-12 triệu đồng/tháng, có đủ các chế độ ăn ca, ngày lễ, Tết, thưởng thi đua, phụ cấp trách nhiệm... Nhưng từ khi xảy ra dịch bệnh, công việc không thường xuyên, mỗi tháng chỉ làm từ 12-15 ngày, lương giảm còn khoảng 5 triệu đồng/tháng. Chúng tôi chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp, nên vẫn gắn bó với hy vọng thời gian tới đây, doanh nghiệp nhanh chóng vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, có đủ việc làm và đảm bảo các chế độ cho người lao động. Chúng tôi cũng mong muốn, các cấp, các ngành có chế độ ưu đãi, giảm hoặc giãn cách về thuế, các loại bảo hiểm, đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp...
Theo đồng chí Đinh Văn Lợi, Phó phòng LĐTB&XH huyện Yên Mô, ngay khi có các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp, các ngành về triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ và Quyết định số 15/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, Phòng LĐTB&XH huyện đã phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn tất các thủ tục để có nguồn kinh phí kịp thời chi trả cho các đối tượng. Cùng với đó, các xã, thị trấn thành lập ban chi trả với các thành phần gồm công chức lao động TBXH, Chủ tịch MTTQ xã và 1 đồng chí công an. Ngoài ra, tùy từng đơn vị có thể huy động thêm các thành viên khác và tùy vào điều kiện, địa bàn cụ thể của từng đơn vị có thể chia thành các điểm chi trả và bàn chi trả khác nhau. Đến ngày 28/5, huyện Yên Mô đã cơ bản hoàn thành việc chi trả cho 4 nhóm đối tượng (người có công, đối tượng bảo trợ xã hội và hộ nghèo, cận nghèo), với gần 12 nghìn người, tổng số tiền chi trả đợt 1 là trên 14,5 tỷ đồng.
Đối với đối tượng chi trả trong đợt 2, là nhóm người lao động và hộ kinh doanh thuộc diện hỗ trợ, việc rà soát, xác định và phân loại đối tượng người lao động thuộc các nhóm mất nhiều thời gian và gặp nhiều khó khăn, nhất là người lao động không có giao kết hợp đồng, lao động bị mất việc... Trước những khó khăn đó, phòng LĐTB&XH huyện Yên Mô tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị như Chi cục thuế, BHXH huyện, LĐLĐ huyện... hướng dẫn các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, tổ chức công đoàn, các xã, thị trấn, phổ biến các chính sách đến người lao động, người dân, đẩy nhanh tiến độ chi trả hỗ trợ, với mục tiêu đảm bảo kịp thời, công khai, minh bạch, đúng nguyên tắc, nội dung, đúng đối tượng hỗ trợ...
Ttính đến ngày 15/6, theo báo cáo kết quả rà soát của Chi cục thuế khu vực Yên Mô-Tam Điệp, toàn huyện có 30 hồ sơ đối với hộ kinh doanh đề nghị hỗ trợ, đủ điều kiện đề nghị UBND tỉnh xem xét, quyết định. Đối với người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động (HĐLĐ) phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không lương, trong tháng 4 có 1 doanh nghiệp gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ cho 8 người lao động tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương về UBND huyện để thẩm định; trong tháng 5 có 1 doanh nghiệp gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ cho 144 người lao động tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương về UBND huyện để thẩm định. Đối với người lao động không có giao kết HĐLĐ, bị mất việc làm, toàn huyện có trên 30 trường hợp đề nghị hỗ trợ. Đối với người lao động bị chấm dứt HĐLĐ, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, toàn huyện có gần 300 hồ sơ đề nghị hỗ trợ. Đối với người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc cho người lao động, tính đến nay, UBND huyện Yên Mô chưa nhận được hồ sơ đề nghị hỗ trợ vay vốn của người sử dụng lao động...
Cũng theo đồng chí Đinh Văn Lợi, Phó phòng LĐTB&XH huyện Yên Mô, để đảm bảo việc hỗ trợ theo đúng tiến độ, huyện Yên Mô chỉ đạo các xã, thị trấn tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập trung rà soát, phấn đấu cuối tháng 6 hoàn thành việc lập danh sách đối với tất cả các nhóm đối tượng, trình các cấp thẩm định, phê duyệt. Phấn đấu trong tháng 7, hoàn thành tổ chức chi trả, đảm bảo không để sót đối tượng, không để xảy ra lợi dụng, trục lợi chính sách, tiêu cực... Đối với những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, phòng LĐTBXH huyện tổng hợp, xin ý kiến các cấp, các ngành liên quan, có phương án giải quyết kịp thời, tạo điều kiện cho người lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 sớm được thụ hưởng nguồn kinh phí hỗ trợ của Chính phủ.
Hạnh Chi