Từ xưa Yên Mô đã nổi tiếng là vùng đất hiếu học, chuộng văn chương, trọng đạo lý làm người. Nhân dân Yên Mô có lòng yêu nước nồng nàn, kiên cường, bất khuất trong đấu tranh chống ngoại xâm vì nền độc lập, tự do của dân tộc. Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện được thành lập từ năm 1929 do đồng chí Tạ Uyên làm Bí thư chi bộ sau này là Bí thư xứ ủy Nam Kỳ. Đây là 1 trong 2 chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của Ninh Bình. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đáp lời kêu gọi thiêng liêng của Tổ quốc, lớp lớp các thế hệ con em Yên Mô đã hăng hái lên đường cầm súng chiến đấu và phục vụ chiến đấu, sẵn sàng hy sinh xương máu và tuổi thanh xuân cho hai cuộc kháng chiến của dân tộc hoàn toàn thắng lợi.
Sau 17 năm (1977-1994) sáp nhập 9 xã của huyện Yên Khánh thành lập huyện Tam Điệp, thể theo tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân và đáp ứng yêu cầu phát triển trong công cuộc đổi mới đất nước, ngày 4-7-1994, Chính phủ đã ban hành Nghị định 59/NĐ-CP cho phép tái lập huyện Yên Mô. Cùng với niềm vui được tái lập, huyện cũng đứng trước nhiều khó khăn, thử thách: sản xuất thuần nông, kinh tế kém phát triển, tài chính và ngân sách hạn hẹp. Cơ sở vật chất nghèo nàn, hệ thống trường học, trạm y tế hầu hết là nhà cấp 4, trang thiết bị phục vụ cho giảng dạy và học tập thiếu thốn, hầu hết các trường phải học 3 ca, hệ thống đường giao thông không thuận lợi chủ yếu là đường đá, đất; các công trình thủy lợi nhỏ bé không đảm bảo cho tưới, tiêu.
Trước những khó khăn, thách thức đó, ngay sau khi được tái lập, Đảng bộ và nhân dân trong huyện đã xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm cùng với tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Tập trung khai thác các tiềm năng thế mạnh, tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng CNH-HĐH. Sau 15 năm xây dựng và phát triển, kinh tế của huyện đã có bước tăng trưởng khá, sản xuất lương thực liên tục đạt đỉnh cao về năng suất, sản lượng và bình quân lương thực đầu người. Chỉ tính riêng vụ đông xuân 2009, sản lượng lương thực đã đạt 45.060 tấn, cả năm ước đạt 81.360 tấn, bằng 2,26 lần so với năm 1994. Bình quân lương thực đầu người tăng từ 318,8 kg (năm 1994) lên 691 kg (năm 2008), gấp 2,2 lần. Yên Mô luôn được tỉnh đánh giá là đơn vị có tốc độ tăng năng suất lúa cao.
Cùng với nâng cao năng suất, sản lượng lương thực, huyện đã chú trọng mở rộng diện tích lúa đặc sản, lúa chất lượng cao, phát triển sản xuất vụ đông để nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị canh tác. Đặc biệt là từ khi thực hiện Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy và Nghị quyết 02 của Huyện ủy, sản xuất vụ đông đang từng bước trở thành vụ sản xuất chính. Năm 2008, diện tích cây trồng vụ đông của huyện mở rộng trên 4.480 ha, mặc dù ảnh hưởng của mưa úng làm mất trắng gần 1.500 ha nhưng vẫn tăng 1.200 ha so với năm 1994. Giá trị cây trồng vụ đông năm 2008 bình quân đạt 21,3 triệu đồng/ha. Tổng giá trị thu nhập bình quân trên 1 ha canh tác năm 2008 đạt 67,5 triệu đồng, gấp 3,2 lần so với năm 2001.
Cùng với trồng trọt, lĩnh vực chăn nuôi trên địa bàn cũng phát triển mạnh, chuyển dần từ chăn nuôi mang tính tận dụng sang sản xuất theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp với quy mô trang trại, gia trại. Đối tượng con nuôi phong phú, đa dạng, công tác di nhập và cải tạo đàn giống, công tác vệ sinh thú y và phương thức chăn nuôi được đổi mới. Do vậy, năng suất và hiệu quả sản xuất đã được nâng lên rõ rệt, giá trị sản xuất chăn nuôi năm 2008 đạt 232.881 triệu đồng, cao hơn 2,37 lần so với năm 1995. Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 6,37% năm. Tỷ trọng giá trị chăn nuôi trong sản xuất nông nghiệp tăng từ 24% năm 1995 lên 30,7% năm 2008. Nuôi trồng thủy sản trong những năm qua phát triển khá mạnh: diện tích nuôi tăng bình quân 7,2%/năm; giá trị sản xuất thủy sản năm 2008 đạt 48.190 triệu đồng, tăng 14 lần so với năm 1995.
Trên lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ có những chuyển biến rõ rệt. Huyện đã tập trung khơi dậy mọi nguồn lực cho đầu tư, phát triển. Chú trọng việc khôi phục và phát triển các nghề truyền thống, đồng thời coi trọng phát triển các ngành nghề mới tạo nên bước phát triển về công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. 15 năm qua, từ một huyện thuần nông đến nay cơ cấu kinh tế của huyện đã và đang chuyển dịch theo hướng tích cực: giảm tỷ trọng giá trị nông nghiệp, tăng tỷ trọng giá trị công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Cụ thể là: Năm 1995 cơ cấu kinh tế nông nghiệp là 76,8%, tiểu thủ công nghiệp là 7,1%, dịch vụ là 16,1%; năm 2008 cơ cấu kinh tế nông nghiệp là 50,47%; tiểu thủ công nghiệp là 18,67%, dịch vụ là 30,86%.
Hệ thống giao thông được quan tâm đầu tư xây dựng, đến nay phần lớn các đường giao thông nông thôn đã được bê tông hóa hoặc rải nhựa đến từng thôn xóm; hệ thống đê điều, kè cống thường xuyên được tu bổ, nâng cấp, nhất là những trọng điểm trong mùa mưa lũ. 18/18 xã, thị trấn có trường cao tầng kiên cố với 573 phòng học. 100% các xã, thị trấn có trạm y tế được xây dựng kiên cố. Trung tâm Y tế huyện được xây dựng mới với quy mô 100 giường bệnh. Sự nghiệp giáo dục - đào tạo đã có những bước phát triển toàn diện về quy mô, số lượng, chất lượng. Trong 15 năm qua, toàn huyện đã có 1.121 học sinh đạt học sinh giỏi tỉnh và 12 học sinh giỏi Quốc gia, có 263 giáo viên giỏi cấp tỉnh, 3 giáo viên giỏi Quốc gia và 2 Nhà giáo ưu tú. Hoạt động du lịch, thương mại có chuyển biến tích cực; hoạt động tài chính có nhiều khởi sắc, tổng thu ngân sách trên địa bàn hàng năm đều tăng bình quân trên 3,7%.
Nét nổi bật về công tác văn hóa - xã hội của huyện là, toàn huyện đã thực hiện tốt phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", xây dựng khu dân cư tiên tiến, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Phong trào thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội có chuyển biến tích cực. Đến nay đã có 180/233 thôn xóm, 57/65 cơ quan, 54/58 trường học được công nhận danh hiệu văn hóa cấp tỉnh, cấp huyện (trong đó có 35 làng, 22 cơ quan, trường học văn hóa cấp tỉnh). Có 26.570 gia đình được công nhận gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 85%...
Với những thành tích xuất sắc trong 15 năm qua, Đảng bộ, quân và dân huyện Yên Mô vinh dự được Nhà nước tặng thưởng 2 Huân chương Lao động hạng Nhì, 32 Huân chương Lao động hạng Ba; được Chính phủ tặng 2 cờ thi đua, 43 bằng khen. Các Bộ, ngành Trung ương tặng 7 cờ thi đua và 337 bằng khen; được UBND tỉnh tặng 58 cờ thi đua và 1.046 bằng khen. Đặc biệt năm 2003, huyện vinh dự được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhì. Để ghi nhận những thành tích trong 15 năm qua, huyện đang đề nghị Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất. Đó là những dấu ấn phát triển của huyện trong chặng đường sau 15 năm tái lập.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, huyện cũng còn có những hạn chế cần nhanh chóng khắc phục. Đó là tốc độ phát triển kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của huyện; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm và chưa vững chắc, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp còn nhỏ bé, giá trị sản xuất công nghiệp chiếm tỷ trọng thấp. Chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị, nhất là ở cơ sở còn hạn chế; cải cách hành chính còn chậm và hiệu quả thấp; nội dung và phương thức hoạt động của các đoàn thể quần chúng còn chậm đổi mới.
Kế thừa và phát huy những thành tích, kinh nghiệm quý báu trong 15 năm qua, huyện đã đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới đó là: Tận dụng thời cơ, vượt qua mọi khó khăn, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XV; tạo ra những khâu đột phá, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu sản xuất nông nghiệp, xây dựng vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa, góp phần nâng cao giá trị sản xuất trên 1 ha canh tác, phấn đấu năm 2009 đạt được 65 triệu đồng/ha.
Tập trung xây dựng các cụm công nghiệp, điểm công nghiệp, khu du lịch, đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư, xây dựng cơ bản; tạo bước chuyển biến mới về cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản xuất, tăng tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ; đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế đảm bảo tính bền vững và có hiệu quả cao. Quan tâm nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội, đẩy mạnh việc thực hiện xã hội hóa trên các lĩnh vực: giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao.
Quán triệt và thực hiện tốt 2 nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tăng cường củng cố an ninh, quốc phòng; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững chắc. Xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, trước hết là nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên… Tạo nên sức mạnh tổng hợp để thực hiện thắng lợi mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2009 để tạo tiền đề vững chắc cho thực hiện kế hoạch 5 năm (2010-2015).
Bùi Đức Huy
(TUV, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Yên Mô)