Trước đây, Yên Từ là xã thuần nông, thu nhập của nhân dân còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao. Xuất phát từ mong muốn nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân và làm thay đổi diện mạo nông thôn mới, xã đã triển khai tích cực phong trào thi đua "Dân vận khéo" trên các lĩnh vực, trong đó trọng tâm là vận động nhân dân tập trung phát triển kinh tế.
Để thay đổi được thói quen, phương thức sản xuất lạc hậu của người dân, cấp ủy, chính quyền xã đã chỉ đạo Khối Dân vận phối hợp chặt chẽ với MTTQ, các đoàn thể chính trị xã hội tập trung tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ cao vào sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả trên một đơn vị diện tích canh tác.
Đặc biệt, từ kết quả công tác dồn điền - đổi thửa và quy hoạch xây dựng nông thôn mới, Yên Từ tập trung tuyên truyền, vận động các hộ dân trong vùng quy hoạch tích tụ ruộng đất tự chuyển đổi cho nhau, cho thuê để có diện tích phù hợp xây dựng mô hình phát triển kinh tế. Theo đó, các hộ có diện tích lớn thì tiến hành chuyển đổi mô hình, các hộ có diện tích nhỏ lẻ không có điều kiện và nhu cầu chuyển đổi thì cho các hộ liền kề thuê để sản xuất, những hộ vẫn có nhu cầu cấy lúa nhưng nằm trong quy hoạch thì vận động đổi ruộng ra khu vực khác để tiếp tục sản xuất.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, năm 2017 nhân dân xóm Chùa đã chuyển đổi 3 ha diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang trồng chuối tây Thái Lan kết hợp nuôi cá. Sau thành công xây dựng mô hình đầu tiên tại xóm Chùa, xã Yên Từ tiếp tục chỉ đạo các thôn, xóm vận động nhân dân thực hiện tích tụ ruộng đất để chuyển đổi mô hình.
Đến nay, Yên Từ đã vận động nhân dân chuyển đổi 27,12 ha diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả kết hợp với nuôi thủy sản tại các khu như: đồng Đầm, cửa Hàn, Tắc Khê, Phúc Lại, Đuôi Lươn và nhiều vùng khác. Hiện các mô hình đều phát triển tốt và cho thu nhập khá cao từ 300 đến 350 triệu đồng/ha/năm.
Với phương châm "trọng dân, gần dân, hiểu dân và có trách nhiệm với nhân dân, nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin", Ban chỉ đạo phong trào thi đua "Dân vận khéo" của huyện Yên Mô đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền và hội, đoàn thể cùng cấp hướng về cơ sở, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Trong đó, các cấp ủy Đảng đã tăng cường vận động nhân dân tham gia phát triển kinh tế gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, vật nuôi, cây trồng, phát triển dịch vụ, thương mại. Các cấp hội, đoàn thể đã gắn thi đua "Dân vận khéo" với các cuộc vận động "Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi", "Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nhau giảm nghèo và làm giàu", "Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế"… Nhiều cách làm "khéo" có hiệu quả đã được triển khai như: Hỗ trợ đoàn viên, hội viên vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh thông qua các Tổ tiết kiệm và vay vốn; tham quan các mô hình kinh tế có hiệu quả để nhân dân học tập và làm theo....
Đánh giá về kết quả thực hiện phong trào "Dân vận khéo" trong phát triển kinh tế trên địa bàn huyện Yên Mô, đồng chí Vũ Anh Tuấn, Phó trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Yên Mô cho biết: Đến nay, toàn huyện đã có 151 mô hình "Dân vận khéo" có hiệu quả, trong đó có 59 mô hình lĩnh vực kinh tế, như: Mô hình chuyển đổi 30ha ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang trồng chuối kết hợp nuôi cá; mô hình liên kết sản xuất, nuôi cá trên ao nổi cho thu nhập từ 200-400 triệu đồng/ha/năm...
Nhờ phong trào "Dân vận khéo" đã góp phần hình thành các vùng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa tập trung có giá trị như: Vùng sản xuất rau cần, rau rút với quy mô 70ha ở xã Yên Hòa, sản xuất rau an toàn ở Phúc Lại, Yên Từ với quy mô 47ha; sản xuất rau sạch, hành, ngải cứu, ớt xuất khẩu tại Khánh Dương, Mai Sơn với quy mô 40ha; vùng liên kết sản xuất ngô ngọt xuất khẩu, khoai tây, đậu tương rau tại xã Yên Thái, Yên Lâm, Yên Mạc, Yên Phong... với quy mô 200ha; mô hình canh tác 4 vụ/năm được mở rộng với quy mô 56 ha cho giá trị thu hoạch từ 300-350 triệu đồng/ha/năm.
Toàn huyện cũng đã chuyển đổi được 724,4 ha diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang mô hình sản xuất cá-lúa, ao nổi, trồng cây ăn quả kết hợp nuôi thủy sản, nâng giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác năm 2018 đạt 117,9 triệu đồng/năm, tăng 22,6 triệu đồng so với năm 2011; thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 38,5 triệu đồng/năm, tăng 24,4 triệu đồng so với năm 2011.
Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, huyện Yên Mô tiếp tục đẩy mạnh phong trào "Dân vận khéo" trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là lĩnh vực kinh tế một cách thiết thực, hiệu quả nhằm nâng cao thu nhập, đời sống của nhân dân, góp phần cùng các cấp, các ngành thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới, đưa huyện Yên Mô trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2021.
Giáng Hương