Thời xưa, các chúa "hành binh về phương Nam" đều sử dụng chiến thuyền đi qua cửa Thần Phù để dẹp loạn, giữ yên bờ cõi phương Nam. Còn về phía đường Thiên Lý - nơi Quốc lộ 1A hiện nay - thì đèo Tam Điệp - gọi là đèo Ba Dội (dội tiếng cổ là lớp), cái bản lề ngăn cách phía trong là Thanh Hóa Nội, phía Ngoài là Thanh Hóa Ngoại - tỉnh Ninh Bình. Tài sản quý báu của Yên Mô hiện nay là còn lưu giữ được một ít dấu tích của bốn tòa thành cổ, dẫu bây giờ đã là bình địa, nhưng những trang sách ghi chép của địa phương còn đó và núi đồi, đường thành ao chuôm vẫn còn đây.
Thời vua Hùng đã cho xây thành Lưu Thủ, trên địa bàn xã Yên Đồng. Tòa thành hình bầu dục, có quy mô cao rộng, góc Đông-Nam được mở một con đường đi qua Cổ Lâm để ra cửa biển Thần Phù, gọi là đường Cổng, dài khoảng 10 km. Góc Tây-Nam giáp Eo Ưu, một cái eo quanh co trên lưng chừng núi để sang phía bên kia - mạn huyện Nga Sơn, Thanh Hóa. Thời đánh Pháp, chúng tôi vẫn đi "am đường thời Hùng" ấy, rồi là qua Eo ún sang Nga Sơn. Nơi này, có đỉnh núi Cồng nơi đánh cồng phát lệnh, lại có Mã Quán (chuồng ngựa) có Thuyền Đầu (nơi đỗ thuyền chiến).
Mô hình Khu du lịch sinh thái hồ Đồng Thái-Yên Mô.
Góc Tây để lại dấu tích thành xưa, có con đường mang tên Đường Nỏ để qua Cầu Đằng. Nơi này có ao Gạo (nơi quân sĩ vo gạo nấu cơm), có cánh đồng Hạ Ca - nơi quân sĩ tập múa hát trong dịp lễ hội. Góc Đông-Bắc có một con đường quan trọng- đường Yên Cờ - dẫn đến Kinh đô nước Văn Lang. Trên núi Ô Rô có một đồn canh để bảo vệ thành Lưu Thủ và con đường huyết mạch này. Góc thành Đông - Bắc có một cửa núi mang tên Tạc Khẩu thời Mã Viện, truy kích một cánh quân của Hai Bà Trưng. Viên tướng Đông Hán đã cho đục thông một khe núi để tạo đường cho quân sĩ vào trận.
Là vùng đất "yết hầu", cực kỳ lợi hại cả đường biển, đường núi, đường đồng bằng nên vua Hùng thứ 18 - Hùng Duệ Vương - đã cử ba tướng giỏi là Đô Hồng, Sùng Công, Ngọc Thỏ trấn trị ở đây. Tiếp sau, vua Hùng điều thêm ba tướng giỏi nữa là Trưởng Minh Ngọ, Thứ Minh Ngọ, Quý Minh Ngọ đóng quân ở vùng Yên Phúc (gần thành Lưu Thủ) để hỗ trợ, ứng cứu cho thành Lưu Thủ khi xảy ra chiến tranh. Tòa thành thứ hai -Thành Thiên Phủ - do Lê Đại Hành xây dựng. Thành xây trên khu đất cao đầu làng Quảng Thượng, xã Yên Thắng. Xung quanh thành có lũy đất, có chiến hào. Trong thành có kho gạo, gọi là Mễ Sở, có chỗ chăn nuôi lợn để bảo đảm thực phẩm cho quân sĩ, lại có núi Vương Ngự, nơi nhà vua lên quan sát binh tình.
Quân Nguyên - Mông xâm lược nước ta lần thứ hai (1285), Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật chỉ huy một cánh quân mạnh, đóng lại đây. Nhà Trần vạch kế hoạch: Đề phòng quân thủy của giặc từ mạn Nghệ An kéo ra, đánh tập hậu vào đại quân Trần, nên tướng Trần Nhật Duật chỉ huy quân án ngữ phía dưới đèo Tam Điệp. Chiến dịch Quang Trung (Ninh Bình, năm 1951) Sư đoàn trưởng Sư đoàn 320 Văn Tiến Dũng đóng bản doanh tại thành Thiên Phúc. Tòa thành thứ ba là thành Quảng Công do Hồ Quý Ly xây dựng. Ông đã cho tải đá lấp kênh lẫm để xây thành, tạo thêm sự hiểm trở cho việc bày trận. Vua Lê Thánh Tông đi chiến thuyền qua đây để chinh phạt phương Nam, đã có thơ về tòa thành này:
Chương Hoàng trọng tải điền hà thạch
La Viện khinh thừa áp lãng du"
(Vua Chương Hoàng (Hồ Quý Ly) chở đá nặng lấp sông Tiên
La Viện cưỡi thuyền nhẹ dẹp sóng)
Tòa thành thứ tư là thành Bình Sơn thuộc Yên Bình do Mạc Đăng Dung xây dựng, hiện nay chỉ còn một đoàn khoảng 1km, giáp Quốc lộ 1A.
Bốn Thành và một kênh đào
Yên Mô: đất hiểm, núi cao, rừng dày
Biên phòng một dải là đây
Nghìn năm nước Việt đất này- đất thiêng.
Tạ Hữu Yên
(Bài đăng trên Nguyệt san "Sự kiện và nhân chứng")