Yên Từ là một xã thuần nông, cũng như nhiều xã khác của huyện Yên Mô, sản xuất nông nghiệp của xã những năm gần đây đối mặt với khó khăn do thiếu lao động. Làm nông nghiệp tại địa phương chủ yếu là phụ nữ, người già, trẻ nhỏ, không đáp ứng đủ ngày công vào những thời điểm giáp vụ. Tuy nhiên, nhờ chuyển đổi trồng lúa theo hình thức gieo thẳng, nhiều hộ nông dân đã tiết kiệm thời gian gieo cấy để tham gia lao động tại các doanh nghiệp hoặc đan lát, làm đồ thủ công, có thêm thu nhập, nâng cao đời sống. Chị Nguyễn Thị Mai, xã viên HTX nông nghiệp Bình Minh, xã Yên Từ cho biết: "Với phương thức gieo thẳng, việc làm đất là của nam giới, còn chị em phụ nữ chỉ cần tranh thủ buổi sáng hoặc chiều muộn gieo vãi một lúc là xong, không phải còng lưng cấy ròng rã cả tuần như trước nữa". Được biết, vụ đông xuân 2013 xã Yên Từ gieo cấy 263,2 ha lúa thì có 292,1 ha lúa gieo vãi, chiếm 90,1%. Trong đó, riêng HTX nông nghiệp Bình Minh tỷ lệ lúa gieo vãi đạt 96%. Sau 6 năm phát triển từ vài chục ha ban đầu đến vụ xuân 2013, diện tích lúa gieo thẳng toàn huyện Yên Mô đạt 1.439 ha, chiếm 21,8% diện tích. Đã có 15/17 xã, thị trấn của huyện thực hiện phương thức gieo vãi lúa, các xã có diện tích gieo vãi chiếm tỷ lệ cao như xã Yên Từ đạt 90,1%; xã Khánh Thượng 60,1% diện tích, trong đó HTX nông nghiệp Đông Thượng đạt 90%.
Việc phát triển nhanh diện tích lúa gieo thẳng những năm qua đã cho thấy đây là phương thức canh tác có hiệu quả và phù hợp với lòng dân. Mới đây, UBND huyện Yên Mô đã tổ chức hội nghị đánh giá kết quả mô hình lúa gieo vãi vụ đông xuân năm 2013. Tại hội nghị, những lợi ích của phương thức canh tác gieo thẳng đã được các đại biểu đề cập: Với bối cảnh thời vụ khẩn trương nhưng lao động trẻ khỏe ở khu vực nông thôn ngày một thưa dần do lực lượng này bị hút vào các khu công nghiệp đã và đang là thách thức đối với nhiều địa phương do lúc thời vụ thiếu lao động, giá ngày công lao động tăng cao, giải pháp gieo thẳng đã góp phần giải quyết một bước vấn đề nan giải này. Về khía cạnh kinh tế thì gieo thẳng đã góp phần tiết kiệm chi phí, hạ giá thành, tạo tiền đề và động lực cho dồn điền, đổi thửa, cơ giới hóa sản xuất.
Theo dõi mô hình lúa gieo vãi tại HTX nông nghiệp Đông Thượng, xã Khánh Thượng, Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Yên Mô đã rút ra một số đánh giá như: Mức độ nhiễm các đối tượng sâu bệnh trên lúa gieo vãi thấp hơn so với lúa cấy từ 12-20% và năng suất của các giống lúa gieo vãi đều cao hơn so với năng suất của các giống lúa cấy cùng giống từ 10,3-10,7%. Các tính toán cũng cho thấy, mỗi ha gieo thẳng tiết kiệm chi phí và làm lợi cho nông dân từ 3-4 triệu đồng.
Tuy nhiên, theo ý kiến của các ngành chuyên môn thì để công nghệ gieo sạ đạt hiệu quả cao nhất, cần tập trung vào 4 vấn đề chính. Một là ruộng lúa gieo vãi cần phải làm đất tơi nhuyễn, phẳng và chia luống từ 1,5-2 m/luống để thuận lợi cho việc dặm tỉa, chăm bón và phòng trừ sâu bệnh. Hai là, chăm sóc, bón phân sớm, tập trung và cân đối NPK giai đoạn lúa 2,5-3 lá, 4-4,5 lá và điều tiết nước hợp lý. Ba là, thời vụ gieo vãi nên gieo đầu tiết lập xuân để lúa sinh trưởng, phát triển cùng trà với lúa cấy, trỗ bông trong tiết lập hạ để đạt năng suất cao. Bốn là, nên áp dụng gieo vãi đối với các giống lúa lai vì lúa lai có khả năng chịu rét và phát triển khỏe hơn lúa thuần.
Thời gian tới, huyện Yên Mô tiếp tục chỉ đạo mở rộng hơn nữa diện tích gieo thẳng lúa xuân tập trung ở các đơn vị có ruộng bằng phẳng, chủ động tưới tiêu. Mục tiêu hướng tới là quy hoạch vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, thực hiện cơ giới hóa đồng bộ từ khâu gieo cấy đến khâu thu hoạch.
Trần Hải