Xuân này anh sẽ về!
Năm nào cũng vậy, khi cái lạnh tràn về cũng là lúc mùa xuân đang đến gần. Những ngày như vậy chị Đinh Thị Thu càng nhớ chồng da diết và tự hỏi không biết nơi đảo xa bộ quân phục có giúp chồng đủ ấm? Chị Thu là vợ của lính hải quân, hiện đang sống cùng mẹ chồng và các con ở quê nhà xã Gia Tân (Gia Viễn). Chị tâm sự: Là vợ lính đảo chục năm rồi nhưng số lần vợ chồng đoàn tụ, cùng nhau đón Tết chỉ vỏn vẹn ở con số 3. Nhiều thì một tháng, có khi chưa đầy một tuần là anh lại đi bởi đơn vị có lệnh gọi đột xuất. Có lần về vội vã còn chẳng kịp ghé thăm hết họ hàng, cũng chẳng kịp cạn với anh em chén rượu đầu xuân.
Chị Thu cho biết, anh chị quen nhau qua sự mai mối của họ hàng hai bên. Hai người cảm mến nhau bằng giọng nói, tiếng cười qua điện thoại. Không ở bên nhau trong ngày lễ tình nhân, cũng chẳng có hoa hay quà trong những dịp lễ Tết, nhưng qua thời gian, chị cảm nhận được tình cảm chân thành của anh lính đảo. Tình yêu cứ thế lớn dần, để rồi chị nhận lời làm vợ anh sau ngày anh về phép năm 2011. Mọi người vẫn hay hỏi chị: Trẻ trung, xinh xắn, có rất nhiều lựa chọn sao không chọn lấy chồng gần mà lại quyết tâm lấy lính đảo để rồi phải sống cảnh Ngưu Lang - Chức Nữ? Những lúc như thế chị Thu chỉ cười rồi nói: "Chắc là do chữ duyên".
Sau đám cưới giản dị đúng chất lính đảo, chị lại vội tiễn chồng lên đường làm nhiệm vụ. Nhưng, giọt nước mắt của cô gái trẻ buổi đầu tiễn chồng đi xa có lẽ cũng không nhiều như khoảnh khắc chị phải đón giao thừa một mình trong căn nhà trống trải. Bao nhiêu thương yêu, bao nhiêu nhung nhớ chị đành gói ghém vào trang nhật ký… Rồi ngay cả lúc chị Thu sinh đứa con đầu lòng, anh ở biển, nhưng có "đi biển" cùng vợ được đâu. Đến khi con được 10 tháng tuổi anh mới về thăm nhà. Lần đầu gặp cha, nghe mẹ nói "bố Thành kìa", con trai liền nhoẻn miệng cười. Nụ cười ấy khiến anh lặng người. Sau đó, hai
Bố con cứ quấn quýt không dời.
Thời gian vừa nuôi con nhỏ, vừa xây nhà có lẽ là vất vả nhất với chị Thu khi chồng vẫn cứ biền biệt nơi đảo xa. Hàng ngày chị phải thức khuya, dậy sớm chuẩn bị mọi việc. Thậm chí có hôm, con bệnh sốt cao lúc nửa đêm, một mình chị ôm con vào viện rồi lại lủi thủi một mình thức trắng bên con. Nhưng rồi bản thân lại tự nhủ phải mạnh mẽ, kiên cường làm chỗ dựa tinh thần để chồng yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ thiêng liêng với Tổ quốc. Vậy nên cuộc điện thoại mỗi khi chồng gọi về đều nhận được những tiếng cười và câu nói quen thuộc: "ở nhà mẹ con em vẫn khỏe". Chị Thu chia sẻ: Những khó khăn vất vả này có là gì so với việc chồng và đồng đội phải lênh đênh giữa biển cả, thường xuyên đối mặt với hiểm nguy, nhiều khi biển động, sóng to, những bữa cơm còn không trọn vẹn...
Tâm sự của chị Thu khiến tôi chạnh lòng và chợt nhận ra tuy vợ chồng họ đang xa nhau về khoảng cách địa lý nhưng lại gần nhau bởi cùng chung một tình yêu với quê hương, đất nước và cùng chung một nỗi nhớ. Với tình yêu ấy, họ đã cùng nhau vượt qua bao khó khăn. Giờ thì 2 cậu con trai của anh chị hàng ngày đã có thể tự tới trường. Chị Thu có thời gian để nhận thêm các sản phẩm may mặc về làm tại nhà vừa để có thêm thu nhập, vừa vơi nỗi nhớ chồng. Cách đây không lâu, chị nhận được tin chồng chuyển công tác từ đảo Đá Lát về Quảng Ninh, chỉ cách nhà vài trăm cây số. Và lần đầu tiên chị Thu được nghe câu hẹn: "Xuân này, anh sẽ về!". Với chị, Xuân đã về rồi, mùa xuân này chị thật hạnh phúc sau khi đã trải qua những cái Tết lặng lẽ. Giờ thì không còn phải quay quắt, chạnh lòng khi nghe những khúc ca xuân, không còn chỉ được nghe giọng nói ấm áp của chồng qua đường dài điện thoại mà đã có thể cùng nhau đón khoảnh khắc giao thừa thiêng liêng và rưng rưng trước ánh mắt ngập tràn yêu thương của bọn trẻ…
Phút giao thừa lặng lẽ
Cũng giống như chị Thu, gần chục năm nay, cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân về, bà Đặng Thị Là (ở phố 11, phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình) lại gói ghém những yêu thương, những mong nhớ gửi ra đảo xa - nơi con trai cả của bà đang làm nhiệm vụ. Riêng năm nay, anh Nguyễn Văn Chính (con trai cả của bà) đã được về đất liền nhưng tiếp tục nhận nhiệm vụ mới ở Nha Trang và lại là một cái Tết xa gia đình…
Bà Là vẫn nhớ những cái Tết khi con trai còn ở nhà, cứ sáng 29 Tết cả nhà quây quần ngồi gói bánh chưng, đêm đến mẹ con ngồi thức trông nồi bánh rồi kể cho nhau nghe biết bao chuyện. "Ngày ấy, lúc nào nó cũng đòi gói vài cái bánh chưng nhỏ để được thưởng thức trước, nó bảo ăn trước mới ngon…" - Bà Là bùi ngùi nhớ lại. Từ khi cậu cả đỗ vào Trường Tăng thiết giáp rồi sau đó được phân công công tác ở Binh chủng Hải quân thì những cái Tết bình dị như vậy dường như chỉ còn là ký ức với bà. Từ đó tới nay, lần duy nhất anh Chính được về thăm nhà là Tết năm 2015. Đúng như lời hứa "Tết này được về nhà, con sẽ giúp mẹ dọn dẹp, trang trí nhà cửa rồi gói bánh chưng, đưa mẹ đi lễ chùa đầu năm… bù lại cho ngày con vắng nhà", Tết năm đó dường như anh Chính đã cố gắng làm tất cả mọi việc cho mẹ vui lòng. Bà Là trầm ngâm: Nó luôn là như vậy, luôn mong muốn cha mẹ được bình an, hạnh phúc dù trong lòng còn canh cánh những nỗi niềm của một đứa con sống xa gia đình.
Bà vẫn chưa quên cái ôm thật chặt của hai mẹ con ngày Chính nhận nhiệm vụ vào vùng 4 Hải quân: "Dù có khó khăn vất vả thế nào cũng phải chắc tay súng, vững niềm tin để hoàn thành nhiệm vụ nhé con". Lúc ấy, gia đình cũng có đôi chút lo lắng, bởi Chính là một chàng trai khá thư sinh, từ nhỏ đến lớn chỉ chăm lo việc học, nên không biết có thể tham gia được môi trường rèn luyện nghiêm khắc của quân đội hay không. Trong một lần con về phép, nhìn thấy khuôn mặt con sạm đen vì sóng gió biển, bà đã không cầm được nước mắt vì thương con. Nhưng cũng vui mừng vì đứa con trai bé bỏng ngày nào giờ đã là chàng lính hải quân, dạn dày, cứng cáp và rắn rỏi. Cũng trong lần về phép ấy Chính đã dẫn bạn gái về ra mắt bố mẹ. Bà Là thấy thương con dâu tương lai và nói: "Làm vợ lính đảo có nhiều thiệt thòi lắm con ạ, bố mẹ lại ở xa không đỡ đần được gì, con phải cố gắng nhiều đấy". Thấy ánh mắt của đôi trẻ ngời lên niềm tin yêu, bà hiểu rằng các con đã thực sự trưởng thành. Sau đó ông bà lặn lội cả nghìn cây số vào tận Nha Trang để tổ chức đám cưới cho các con thật tươm tất.
Tết năm nay, các con, các cháu không về được nên bà gói bánh chưng sớm gửi vào đó mong chúng vẫn cảm nhận được hương vị Tết quê nhà… Còn gia đình bà, tuy lại tiếp tục trải qua "những phút giao thừa lặng lẽ" vì vắng con, vắng cháu nhưng bà cũng thấy ấm lòng vì ngày nào các con cũng gọi điện về hỏi thăm, rồi còn cả cấp ủy, chính quyền địa phương cũng đến động viên, chúc Tết gia đình.
Hậu phương của những người lính đảo chỉ là những câu chuyện bình dị như thế, nhưng lại luôn ấm áp, ngập tràn tình yêu thương.
Đào Duy