Khánh Thủy là một trong hai địa phương có tổng đàn lợn lớn nhất trên địa bàn huyện Yên Khánh. Trong những ngày này, để chủ động phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, cán bộ thú y xã luôn bám sát các hộ chăn nuôi nắm bắt tình hình, đồng thời hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật về tiêu độc khử trùng, vệ sinh chuồng trại, chăm sóc đàn lợn.
Anh Bùi Văn Cát, cán bộ thú y xã Khánh Thủy cho biết: Khánh Thủy hiện có trên 6.300 con lợn, trong đó có trên 60 hộ nuôi quy mô trang trại, khoảng 100 con/hộ, còn lại chủ yếu được bà con chăn nuôi dưới hình thức nông hộ, nhỏ lẻ.
Do hộ chăn nuôi quy mô lớn nhiều, cùng với sự chỉ đạo, hướng dẫn sát sao của xã nên hầu hết các hộ nuôi đều có ý thức cao trong công tác phòng, chống dịch và tự thực hiện các biện pháp tiêu độc khử trùng bằng hóa chất và vôi bột.
Nhiều hộ đã chủ động thực hiện cách ly những người trực tiếp chăm sóc đàn lợn, không tiếp xúc bên ngoài, không cho người không phận sự vào khu vực trong và xung quanh chuồng trại chăn nuôi, đồng thời vệ sinh sạch sẽ, cho vật nuôi ăn thức ăn đảm bảo dinh dưỡng.
Ông Đỗ Văn Mạnh, Chủ tịch UBND xã Khánh Thủy cho biết: Thực hiện các văn bản chỉ đạo của tỉnh và của huyện Yên Khánh, đặc biệt là công điện số 01 ngày 5/3/2019 của Chủ tịch UBND huyện về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống dịch tả lợn châu Phi, xã Khánh Thủy đã triển khai thực hiện tốt các giải pháp nhằm chủ động ngăn chặn và ứng phó khẩn cấp với khả năng dịch xâm nhiễm vào địa bàn.
Địa phương đã thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Các thành viên của Ban chỉ đạo luôn bám sát cơ sở, nắm bắt nhanh tình hình, kịp thời báo cáo nếu có dấu hiệu của dịch bệnh xảy ra.
Cùng với công tác kiểm tra, kiểm soát, Khánh Thủy đã tăng cường công tác tuyên truyền về tác hại của dịch, tình hình bùng phát dịch trên Đài truyền thanh xã để người dân nắm bắt.
Đồng thời yêu cầu các hộ ký cam kết về phòng chống dịch, chủ động thực hiện các biện pháp tiêu độc khử trùng bằng vôi và hóa chất; phát quang bụi rậm, khơi thông và vệ sinh dòng chảy; không tiến hành giết mổ khi vật nuôi có dấu hiệu bị bệnh và không vận chuyển lợn trong giai đoạn hiện nay. Xã cũng thông báo để các hộ chăn nuôi, các thôn, xóm khi phát hiện con nuôi có biểu hiện phát dịch phải báo cáo ngay với chính quyền xã để tiến hành các biện pháp dập dịch.
Hiện nay tình hình chăn nuôi trên địa bàn xã Khánh Thủy ổn định, chưa có dấu hiệu dịch bệnh xảy ra. Trong thời gian tới, Khánh Thủy tiếp tục triển khai tốt các biện pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi, giảm thiểu nguy cơ phát dịch trên địa bàn.
Được biết, trên địa bàn huyện Yên Khánh có khoảng 70.000 - 75.000 con lợn, trong đó có nhiều trang trại, gia trại có quy mô nuôi lớn. Với những diễn biến phức tạp của tình hình dịch tả lợn châu Phi, huyện Yên Khánh đã khẩn trương triển khai các biện pháp tăng cường công tác phòng, chống dịch. Trong đó, huyện đã kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên.
Tổ chức tiếp nhận và phân bổ 1.570 lít hóa chất cho các xã, thị trấn tiến hành phun tiêu độc khử trùng toàn bộ khu vực chăn nuôi, chợ, đường làng ngõ xóm, hố rác công cộng, rãnh thoát nước, nhất là những điểm có nguy cơ lây nhiễm cao, những trang trại chăn nuôi với quy mô lớn.
Ngày 5/3/2019, Chủ tịch UBND huyện Yên Khánh đã có Công điện chỉ đạo các xã, thị trấn, các đơn vị trên địa bàn triển khai các biện pháp cấp bách, phòng chống dịch tả lợn châu Phi. Yêu cầu Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Chăn nuôi và Thú y, Trạm Khuyến nông cử cán bộ xuống cơ sở, phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức ngay việc kiểm đếm các cơ sở, các hộ gia đình chăn nuôi lợn, phát hiện kịp thời lợn bị bệnh, báo ngay cho cơ quan chuyên môn của UBND huyện và thực hiện tiêu hủy đàn theo hướng dẫn.
Thành lập các tổ thu gom, tiêu hủy lợn chết do bệnh, đảm bảo đúng quy định, không để tình trạng vứt xác động vật chết bừa bãi gây ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh.
Tổ chức ký cam kết với các hộ dân tuyệt đối không bán chạy lợn ốm, không ăn thịt lợn ốm, chết; không vứt xác lợn ốm, chết ra ngoài môi trường; không giấu dịch, thực hiện báo cáo bệnh kịp thời cho cán bộ thú y cơ sở và chính quyền khi xuất hiện gia súc có hiện tượng ốm, chết bất thường.
Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để người chăn nuôi và nhân dân hiểu rõ mức độ nguy hiểm của dịch tả lợn châu Phi; đồng thời hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, không mua bán các loại giống trôi nổi, giống không rõ nguồn gốc làm phát sinh dịch bệnh; bổ sung chất dinh dưỡng, chất điện giải để nâng cao sức đề kháng cho đàn lợn; thường xuyên, định kỳ phun thuốc tiêu độc khử trùng.
Tổ chức triển khai kế hoạch tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm vụ xuân hè năm 2019 và tiêm đầy đủ các loại vắc xin phòng các bệnh cho đàn lợn theo kế hoạch của UBND huyện để tạo miễn dịch chủ động.
Huyện cũng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với Đội quản lý thị trường số 6, Công an huyện và các xã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát dịch bệnh, chú trọng các điểm tập kết, vận chuyển, giết mổ lợn; xử lý nghiêm trường hợp vận chuyển lợn thịt, lợn giống; thực phẩm có thịt lợn không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm gây ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng và làm lây lan dịch bệnh trên địa bàn.
Bài, ảnh: Hương Giang