Dự lễ kỷ niệm có lãnh đạo các Ban xây dựng Đảng của Tỉnh ủy; Trưởng, phó Bộ phận giúp việc của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; lãnh đạo huyện Yên Khánh, các ban, ngành, đoàn thể của huyện; lãnh đạo các xã, thị trấn trong huyện; các đồng chí đảng viên từ 40 năm tuổi đảng trở lên, các đại biểu tiêu biểu trên lĩnh vực nông nghiệp của huyện và nhân chứng được gặp Bác Hồ vào ngày 15-3-1959 tại xã Khánh Cư. Tại lễ kỷ niệm, các đại biểu đã cùng nhau ôn lại truyền thống lịch sử cách đây 55 năm vào ngày 15-3-1959, Bác Hồ đã về thăm, kiểm tra công tác chống hạn và chăm sóc lúa chiêm xuân tại cánh đồng Chằm (xã Khánh Cư). Sự kiện Bác Hồ về thăm Khánh Cư đúng vào thời điểm sản xuất nông nghiệp nước ta gặp nhiều khó khăn, hạn hán diễn ra trên diện rộng ở nhiều tỉnh miền Bắc.
Ngày 5-1-1959, Bác Hồ đã ra lời kêu gọi nông dân và cán bộ quyết tâm chống hạn, đẩy mạnh sản xuất vụ chiêm xuân. Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác và chỉ đạo của tỉnh, huyện Yên Khánh đã dấy lên phong trào làm thủy lợi. Nhờ kết quả thủy lợi đồng ruộng, toàn huyện đã cơ bản đảm bảo nước cho vụ chiêm xuân và có thêm 3.434 mẫu ruộng trước đây cấy một vụ chuyển sang cấy 2 vụ, góp phần nâng cao sản lượng và đời sống nhân dân.
Do có thành tích xuất sắc về công tác thủy lợi và chống hạn, nhân dân và cán bộ xã Khánh Cư, huyện Yên Khánh đã vinh dự được đón Bác về kiểm tra công tác chống hạn và chăm sóc lúa Chiêm- Xuân. Giữa lúc nhân dân cùng bộ đội đang đào ngòi Chùa Cao để lấy nước từ sông Đáy dẫn vào cánh đồng Chằm, Bác đã xắn quần, lội xuống cánh đồng Chằm. Bác ân cần thăm hỏi, động viên, khích lệ, khen ngợi đồng bào và bộ đội rất anh dũng chống hạn cứu lúa, đồng thời căn dặn đồng bào "cố gắng làm thủy lợi để cứu lấy hàng vạn mẫu lúa và cày hết số diện tích còn lại".
Từ đó đến nay, hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, những lời căn dặn của Người đã trở thành động lực để lớp lớp cán bộ, nhân dân xã Khánh Cư nói riêng và huyện Yên Khánh nói chung đoàn kết, vượt qua khó khăn, giành nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực của đời sống. Tổng giá trị sản xuất năm 2008 đạt 850 tỷ đồng, tăng 3,5 lần so với năm 1994.
Đặc biệt, trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, hiện nay tỷ lệ kiên cố hóa kênh mương cấp 1, cấp 2 đạt 82%; 95% đường giao thông được đổ bê tông, cứng hóa. Từ một nền sản xuất nhỏ, tự cấp tự túc đến nay đã phá thế độc canh cây lúa, hệ thống thủy lợi được quan tâm đầu tư kiên cố hóa, chủ động trong tưới tiêu, từng bước cơ giới hóa, hiện đại hóa trong làm đất, gieo cấy, thu hoạch; nông nghiệp phát triển tương đối toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa.
Năm 2013, giá trị trên 1 ha đất canh tác của huyện đạt 113 triệu đồng. Tích cực ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, mở rộng diện tích lúa chất lượng cao và trồng cây vụ đông có giá trị, thực hiện dồn điền đổi thửa gắn với tổ chức lại đồng ruộng, thực hiện cánh đồng mẫu lớn...Nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên. Yên Khánh là huyện dẫn đầu toàn tỉnh về phong trào toàn dân chung sức xây dựng NTM. Năm 2013, có 3 xã đầu tiên của tỉnh đạt danh hiệu "xã đạt chuẩn nông thôn mới"...
Để ghi nhớ, biết ơn sự quan tâm và những tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người về thăm Khánh Cư, thời gian tới, huyện Yên Khánh sẽ xây dựng các công trình: Khu bia tưởng niệm, ghi nhớ sự kiện Bác Hồ về thăm tại cánh đồng Chằm; tuyến đường mới và trồng "hàng cây Bác Hồ" từ QL10 vào trường THPT Yên Khánh B theo tuyến đường kênh tưới cánh đồng Chằm thuộc xã Khánh Cư.
Tại lễ kỷ niệm, lãnh đạo huyện Yên Khánh đã phát động phong trào thi đua làm theo lời Bác trên địa bàn toàn huyện. Trước đó, các đại biểu đã tới dâng hương, trồng và chăm sóc cây tại đền thờ Bác Hồ ở xã Khánh Cư.
Thùy Phương- Anh Tuấn