Những năm qua, việc thực hiện các chính sách ưu đãi đối với người có công được quan tâm đầy đủ, kịp thời, không để xảy ra sai phạm, tiêu cực. Các chế độ, chính sách trợ cấp thường xuyên, trợ cấp một lần và chính sách ưu đãi khác được quan tâm thực hiện chu đáo, tạo sự đồng thuận, đồng lòng của cán bộ, nhân dân trong toàn huyện. Trong 5 năm (2012-2017), huyện đề nghị cấp hơn 50.000 thẻ Bảo hiểm y tế; tiếp nhận và đề nghị cấp có thẩm quyền giải quyết chính sách cho 780 hồ sơ; đề nghị trợ cấp một lần cho 1.500 đối tượng theo Quyết định số 24/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Thẩm định trình cấp trên chi trả tiền miễn giảm học phí với tổng số tiền trên 2,3 tỷ đồng; hỗ trợ ưu đãi cho 102 hồ sơ với tổng số tiền trên 600 triệu đồng; tổ chức đưa, đón 150 người đi điều dưỡng. Bên cạnh đó quan tâm chính sách ưu đãi đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho con thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách...
Phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" từ năm 2012 đến nay đã trở thành phong trào sâu rộng trong các cơ quan, đơn vị và nhân dân trong huyện, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho các gia đình liệt sỹ, thương, bệnh binh, các đối tượng chính sách, nhằm tri ân, tôn vinh những đóng góp, hy sinh to lớn của người có công và thân nhân của họ, thể hiện nghĩa cử cao đẹp mang tính nhân văn sâu sắc. Hàng năm, nhân dịp lễ, Tết, huyện đã trích ngân sách thăm, tặng quà cho đối tượng người có công (ngoài nguồn của Trung ương, tỉnh), đặc biệt là mở rộng đến đối tượng tham gia cách mạng bị địch bắt tù đày. Phối kết hợp với các bệnh viện của Trung ương, của tỉnh, của huyện khám, cấp phát thuốc miễn phí 5 năm qua với số tiền hàng tỷ đồng. Trong 5 năm (2012 - 2017) Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của huyện đã huy động quyên góp được trên 1,5 tỷ đồng, trong đó cấp huyện gần 500 triệu đồng.
Cùng với sự quan tâm, thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách đối với người có công, công tác chăm lo đời sống cho các đối tượng chính sách được huyện đặc biệt coi trọng; phong trào chung tay hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa, sửa chữa nhà ở cho đối tượng chính sách, người có công cũng được quan tâm thực hiện. Trong 5 năm đã hỗ trợ xây dựng và sửa chữa được 57 ngôi nhà với tổng số tiền trên 2 tỷ đồng. Phong trào phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng được phát động rộng rãi, được các cấp, các ngành tích cực hưởng ứng. Tất cả các Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống (11 mẹ) đều được các cơ quan, đơn vị của tỉnh, của huyện nhận phụng dưỡng (với số tiền 500.000 đồng/tháng) và thường xuyên quan tâm chăm sóc, nâng cao đời sống vật chất, động viên tinh thần các mẹ. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 8 nghĩa trang liệt sĩ, 9 nhà bia ghi tên liệt sĩ, 3 đài tưởng niệm liệt sĩ, quy tập trên 1.400 mộ liệt sĩ. Các nghĩa trang liệt sĩ, đài tưởng niệm liệt sĩ đều được cải tạo nâng cấp trang nghiêm. Tổng kinh phí đầu tư nâng cấp nghĩa trang liệt sỹ, các công trình ghi tên liệt sỹ từ năm 2012 đến nay trên 11 tỷ đồng.
Từ sự quan tâm toàn diện của huyện với người có công, gia đình chính sách, đến nay đời sống của các hộ gia đình người có công, gia đình chính sách được ổn định và nâng lên, 99,98% số hộ chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân trên cùng địa bàn cư trú. Nhiều người có công vượt khó, thoát nghèo vươn lên trở thành những tấm gương sáng trong phát triển kinh tế như thương binh Nguyễn Bỉnh Khiêm ở xã Khánh Hội với mô hình nuôi ong mật; thương binh Lê Văn Tụng ở thị trấn Yên Ninh với mô hình chăn nuôi tổng hợp; thương binh Phan Trường Sinh ở thị trấn Yên Ninh là Giám đốc doanh nghiệp xây dựng; thương binh Đặng Ngọc Toàn ở xã Khánh Hòa với việc tự nghiên cứu và chế tạo quạt gió cho công nghệ đúc sản phẩm kim loại; thương binh Phạm Đăng Ngát ở xã Khánh Nhạc với mô hình kinh doanh, sửa chữa máy nông nghiệp...
Bài, ảnh: Hồng Vân