Trong thời gian qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn luôn được huyện Yên Khánh xác định là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt. Huyện đã tích cực chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ này. Huyện chỉ đạo Phòng Nông nghiệp & PTNT tăng cường công tác đào tạo nghề nông cho nông dân và các chủ trang trại. Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn KHKT tại các thôn, xã cho bà con. Các lớp tập huấn nhằm giúp bà con nâng cao hiểu biết về KHKT, hướng tới năng suất lao động cao, chất lượng tốt, giá thành hạ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Hướng dẫn nông dân làm nghề nông một cách khoa học, có kỹ năng quản lý, có kiến thức thị trường để lựa chọn nghề sản xuất ra loại sản phẩm có giá trị cao, thị trường tiêu thụ rộng... Mỗi năm, có từ 3.000-3.500 lao động được tập huấn. Huyện cũng trích ngân sách từ 70-100 triệu đồng/năm để hỗ trợ nông dân sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa cây, con vào sản xuất. Nhờ đó, cơ cấu mùa vụ, cây trồng được chuyển đổi theo hướng sản xuất hàng hóa, nhiều cây trồng có giá trị kinh tế cao được đưa vào canh tác như: lúa cao sản, đậu tương, khoai tây, rau màu... Thông qua các chính sách hỗ trợ giống, tăng cường xây dựng hệ thống thủy lợi... đã góp phần quan trọng đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp ở địa phương. Kết quả, mặc dù diện tích trồng lúa giảm, nhưng nhờ tăng diện tích lúa cao sản, lúa tái sinh và mở rộng diện tích cây vụ đông nên tổng sản lượng lương thực có hạt vẫn tăng. Ngoài ra, căn cứ vào đặc điểm từng địa phương, huyện cũng đã triển khai nhiều mô hình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi như: mô hình một vụ lúa, một vụ cá; cải tạo ruộng trũng để nuôi trồng thủy sản có giá trị kinh tế cao, mô hình chuyển đổi ruộng cao, khó khăn về nước tưới sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, mô hình nuôi lợn công nghiệp... đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập cho nhân dân. Đặc biệt, khi triển khai thực hiện Đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020, huyện Yên Khánh đã tập trung để tạo ra bước đột phá trong công tác đào tạo nghề cho nông dân, phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn, góp phần tháo gỡ nút thắt trong vấn đề an sinh xã hội của địa phương.
Theo đó, huyện Yên Khánh đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ đến mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là lao động nông thôn dưới các hình thức như tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh, cấp phát tài liệu, tổ chức nói chuyện chuyên đề... Qua đó, định hướng việc chọn nghề cho lao động nông thôn thiết thực, phù hợp với tình hình, lợi thế của địa phương. Để tất cả lao động sau khi được đào tạo sẽ có việc làm, huyện đã hướng dẫn các địa phương tiến hành điều tra, khảo sát, rà soát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn; năng lực, nhu cầu của các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất trên địa bàn quản lý. 100% các xã, thị trấn hoàn tất công tác điều tra nhu cầu học nghề của lao động. Cũng sau công tác điều tra, khảo sát đã có 7 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đóng trên địa bàn đủ điều kiện tham gia vào công tác dạy nghề cho lao động nông thôn. Những doanh nghiệp này được các ngành có liên quan hỗ trợ về nghiệp vụ sư phạm, qua đó làm tăng hiệu quả của công tác dạy nghề. Những doanh nghiệp tham gia dạy nghề phải có cam kết, sau khi đào tạo nghề sẽ giải quyết việc làm cho lao động ít nhất là trong 2 năm...
Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp đó, trong 5 năm qua (2010-2015), huyện đã đào tạo nghề phi nông nghiệp cho trên 2.000 lao động nông thôn, trong đó có nhiều lao động thuộc hộ nghèo. Khảo sát sau đào tạo cho thấy, trên 70% lao động đã có việc làm và thu nhập ổn định, gắn bó với doanh nghiệp. Một số nghề mang lại thu nhập ổn định cho người lao động như nghề mộc- đá mỹ nghệ; thêu ren và khâu móc, đan hộp bẹ chuối, bèo bồng, mây tre đan, may, hàn... Số lao động qua đào tạo ngày càng tăng đã góp phần giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm lao động nông nghiệp, tăng lao động ngành nghề phi nông nghiệp. Cũng thông qua các đề án dạy nghề đã góp phần thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Hàng năm, huyện có hàng trăm hộ thoát nghèo, có hàng nghìn lao động trong độ tuổi có việc làm mới.
Nguyễn Hùng