Dự án tuyến đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình giai đoạn 2 đoạn đi qua địa bàn xã Khánh Hòa có chiều dài 3,2 km tuyến chính, 1 km tuyến nhánh, diện tích đất thu hồi gần 30ha, ảnh hưởng tới gần 1.000 hộ dân của 7 xóm, hệ thống kênh trục phục vụ sản xuất nông nghiệp bị chia cắt hoàn toàn… Tổng số tiền bồi thường và xây dựng các công trình công cộng bị ảnh hưởng gần 200 tỷ đồng. Vì vậy trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện GPMB nhiều khó khăn được đặt ra như: phạm vi ảnh hưởng rộng, trong khi thời gian yêu cầu để thực hiện GPMB ngắn; số hộ bị ảnh hưởng lớn, số mộ phải di chuyển nhiều, trong đó có 9 mộ hung táng. Đặc biệt là có 110 hộ gia đình thuộc diện tái định cư nhưng các thủ tục đầu tư và xây dựng khu tái định cư phải mất nhiều thời gian, các công trình công cộng bị ảnh hưởng nhiều cần phải được xây dựng hoàn trả. Ngoài ra, do đường cao tốc cắt qua toàn bộ địa bàn xã Khánh Hòa nên ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống kênh trục thủy lợi nội đồng và mạng lưới giao thông nông thôn của xã; việc tưới tiêu phục vụ sản xuất, tiêu thoát nước cùng với hệ thống giao thông gặp rất nhiều trở ngại. Một khó khăn nữa là công tác GPMB được thực hiện trong thời điểm một số luật (Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu...) mới có hiệu lực thi hành, chế độ, chính sách về bồi thường GPMB có nhiều thay đổi so với trước, các văn bản hướng dẫn thi hành còn thiếu và chưa đồng bộ...
Để khắc phục những khó khăn trên, Huyện ủy, UBND huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền bám sát chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, huy động cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện công tác GPMB; chú trọng, quan tâm đến quyền lợi chính đáng, hợp pháp của nhân dân; các bước trong quy trình GPMB được chỉ đạo thực hiện chặt chẽ, đúng quy định (thành lập hội đồng GPMB; xây dựng phương án tổng thể công tác GPMB; xây dựng kế hoạch thu hồi đất, ra thông báo thu hồi đất đến từng hộ dân; tổ chức tập huấn công tác kiểm đếm, kê khai; triển khai kê khai, đo đạc, kiểm đếm; công khai kết quả kiểm đếm; áp giá, phê duyệt, công khai phương án…). Tất cả các khâu trong quy trình GPMB đều được công khai tới toàn thể nhân dân và có sự giám sát của MTTQ, các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội. Quá trình lập hồ sơ thu hồi đất, lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư GPMB, kiểm đếm, áp giá đền bù được giám sát chặt chẽ, gửi xuống từng hộ dân để xem, xác nhận. Khi có kiến nghị, thắc mắc, các thành viên của Tổ công tác GPMB đến từng gia đình để tiếp thu, đối thoại, giải đáp và giải quyết kịp thời. Bên cạnh đó, các lực lượng tham gia GPMB luôn bám sát địa bàn, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, thực hiện tốt công tác dân vận. Đối với những đề nghị vượt quá thẩm quyền giải quyết của Hội đồng GPMB, các đồng chí lãnh đạo UBND huyện đã chủ trì, tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp với nhân dân, lắng nghe, tiếp thu ý kiến của nhân dân để có giải pháp chỉ đạo, từng bước tháo gỡ những khó khăn, giải tỏa bức xúc trong nhân dân. Do đó, việc bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công được bảo đảm đúng tiến độ, thời gian, đồng thời đảm bảo lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.
Ngoài dự án tuyến đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình giai đoạn 2 đoạn qua xã Khánh Hòa, trong những năm qua huyện đã chỉ đạo và thực hiện tốt công tác GPMB tại Khu công nghiệp Khánh Cư, Cụm công nghiệp Khánh Nhạc, tuyến đường Bái Đính - Kim Sơn và các công trình phụ trợ; các khu đấu giá quyền sử dụng đất tại các xã, thị trấn… Công tác GPMB cũng góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. Dự kiến đến hết năm 2016 Yên Khánh có thêm 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã về đích NTM là 13/18 xã, phấn đấu đến năm 2018 huyện sẽ hoàn thành các tiêu chí của huyện nông thôn mới.
Đào Duy