Nhưng do hiệu quả sản xuất và kinh doanh nấm cao nên ngày càng có nhiều hộ nông dân mạnh dạn đầu tư phát triển, nhân rộng mô hình. Chính từ quá trình này, các cấp ủy đảng, chính quyền, ngành chức năng đã cân nhắc, tính toán và nhận thấy, đặt trong bối cảnh hiện nay trồng nấm là một nghề thiết thực với nông dân, nhất là những hộ nghèo.
Thực hiện theo đề án giảm nghèo đến năm 2010, tỉnh, huyện đã có chủ trương hỗ trợ xây dựng lán trại, điểm thu mua chế biến nấm, bù giá giống nấm, chuyển giao kỹ thuật để đẩy mạnh hơn nữa nghề trồng nấm. Nhờ vậy từ năm 2006 nghề nấm đã được phát triển thêm một bước, quy mô mở rộng, thu hút nhiều hộ tham gia hơn.
Chỉ tính riêng trong năm 2007, toàn huyện có 190 hộ sản xuất, sử dụng trên 2.700 tấn nguyên liệu. Sản lượng nấm tươi thu được 1.250 tấn, giá trị thu nhập đạt 7,577 tỷ đồng, tăng 26,7% so với năm 2006. Cho đến năm 2008, tính từ đầu năm đến nay tổng số hộ dân trong huyện tham gia sản xuất nấm có 210 hộ, sản lượng nấm tươi ước đạt trên 1 nghìn tấn, giá trị thu nhập ước đạt 7,480 tỷ đồng. Nghề nấm có lợi thế là tận dụng được nguồn nguyên liệu tại chỗ như rơm rạ, mùn cưa,...
Về chủng loại nấm cung cấp cũng đa dạng, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng hiện nay như nấm sò, nấm mỡ, mộc nhĩ, nấm rơm, linh chi.... Thực tế cho thấy trồng nấm mang lại hiệu quả rõ rệt. Nhiều tập thể, cá nhân trong huyện đã mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, tập trung đầu tư kinh phí xây dựng trang trại, gia trại trồng nấm quy mô lớn, mang lại thu nhập cao như xã Khánh Thành, Khánh Trung, Khánh Hải, Khánh Vân, Khánh Phú, Khánh Mậu...
Nhiều hộ sản xuất điển hình như hộ ông Phạm Văn Hùng, Phạm Văn Mỹ, xã Khánh Vân; hộ ông Nguyễn Văn Quang, xã Khánh An, hộ ông Nguyễn Văn Can, xã Khánh Cường; hộ ông Nguyễn Văn Đô, xã Khánh Trung.... Có thể nói, trồng nấm đã được nhân ra diện rộng trên toàn huyện. Và nguồn thu nhập từ nấm cũng đáng kể, trung bình mỗi tấn nguyên liệu trừ chi phí cho thu nhập khoảng 2,1 triệu đồng.
Tuy đã phát triển nhưng trong quá trình làm người dân vẫn còn có nhiều khó khăn, cản trở cho việc đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất. Để tháo gỡ những băn khoăn đó, Ban Thường vụ huyện ủy Yên Khánh vừa thống nhất chủ trương về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nấm trên địa bàn huyện. Theo đó, việc sản xuất nấm sẽ được đầu tư, hỗ trợ theo chiều sâu, hiệu quả, không dàn trải, ưu tiên khuyến khích, đầu tư mở rộng quy mô đối với những hộ đang sản xuất, những hộ mới sản xuất cần lựa chọn những trường hợp có khả năng phát triển nấm lâu dài, có quy mô sản xuất phù hợp. Việc tiến hành hỗ trợ sẽ được tổ chức công khai, dân chủ, đúng đối tượng, đảm bảo cho các hộ khó khăn có điều kiện phát triển, mở rộng sản xuất. Mức hỗ trợ cho việc xây dựng lán mới kiên cố có diện tích từ 100 - 200 m2 là 3 triệu đồng/ lán; diện tích từ 201m2 trở lên là 5 triệu đồng/lán. Hỗ trợ xây dựng lò hấp, lò sấy nấm ở những xã chưa có lò hấp, lò sấy nấm cho hộ dân có quy mô lán trại kiên cố từ 400m2 trở lên hoặc quy mô sản xuất từ 20 tấn nguyên liệu một năm trở lên là 4 triệu đồng/lò. Những mô hình tiếp thu những giống nấm mới đưa vào sản xuất được hỗ trợ 1,5 triệu đồng. Người sản xuất nấm còn được tạo mọi điều kiện để vay vốn phát triển nghề từ nguồn vốn của Ngân hàng chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp - PTNT huyện... Đây được coi là một bước đi mới, đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tiễn và có tính khả thi cao, góp phần quan trọng trong việc đẩy mạnh các ngành nghề địa phương, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, mức sống của nhân dân, từng bước xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Như với xã Khánh Công hiện nay, xã có tỷ lệ hộ nghèo cao của huyện, UBND huyện, chính quyền địa phương đang nỗ lực tập trung chỉ đạo triển khai các chương trình hỗ trợ, đôn đốc, vận động để người dân nhân rộng mô hình làm nấm, mở rộng làm các lán trại, lò hấp, lò sấy phục vụ tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật nuôi trồng....
Cũng từ chủ trương này, các xã, thị trấn khác trong huyện đang tiếp tục vận động nhân dân đẩy mạnh quy mô sản xuất. Các ngành chức năng, các tổ chức đoàn thể tích cực vào cuộc nhằm giúp người dân chuẩn bị giống, kỹ thuật nuôi trồng, bao tiêu sản phẩm. Và không ít các doanh nghiệp, các tổ chức trong và ngoài tỉnh đã và đang có hướng đầu tư, giúp đỡ, phối hợp cung ứng, chuyển giao công nghệ về giống, chế biến, thu mua sản phẩm cho nghề nấm ở đây như Trung tâm công nghệ sinh học - Viện di truyền Trung ương; Trung tâm sản xuất giống nấm Hương Nam,... Sự phối hợp, vào cuộc cuộc của các đơn vị, các tổ chức, đoàn thể, chính quyền địa phương và những cơ chế khuyến khích, hỗ trợ cụ thể của huyện, tin rằng nghề trồng nấm sẽ trở thành nghề làm giàu, giảm nghèo cho người dân nơi đây.
Thanh Thủy