Tính ưu việt của lúa gieo thẳng (còn gọi là gieo sạ, gieo vãi, sạ lúa) đã được nông dân Ninh Bình nói chung và nông dân Yên Khánh nói riêng ghi nhận, thể hiện qua diện tích gieo thẳng trên địa bàn huyện không ngừng tăng qua các năm. Nhiều nông dân trong huyện Yên Khánh chia sẻ: Trước đây cấy bằng mạ mất nhiều công và thời gian sản xuất thường kéo dài cả nửa tháng mới hoàn thành; nhưng gieo sạ, chỉ cần 2 lao động có thể hoàn thành 1 mẫu lúa/ngày. Vì thế bớt được rất nhiều công lao động, yên tâm sản xuất nông nghiệp và làm thêm nghề phụ nâng cao thu nhập.
Hiệu quả sản xuất được nâng lên, do vậy Vụ xuân năm 2015 tỷ lệ gieo thẳng đạt tới 46% diện tích, tăng gần 600 ha so với vụ xuân năm 2014; vụ xuân 2016 mở rộng diện tích gieo thẳng lên trên 60%; vụ xuân 2017, tính đến thời điểm ngày 13/2 đã có 5.883,5 ha lúa được gieo thẳng, đạt 81% tổng diện tích gieo cấy, tăng gần 20% so với vụ trước.
Nói về nguyên nhân, đồng chí Trần Ngọc Diệp, Trưởng phòng Nông nghiệp &PTNT huyện Yên Khánh cho biết: Huyện đã cơ bản hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa.
Sau chỉnh trang đồng ruộng, mặt bằng đất canh tác của huyện đã cơ bản ổn định, hệ thống giao thông thủy lợi từng bước được tu bổ, nâng cấp; thời tiết khí hậu sau tết nguyên đán lại khá thuận lợi (nắng, ấm)...nên huyện đã chủ động kiểm tra, khảo sát, chỉ đạo các địa phương mở rộng diện tích gieo thẳng; chủ động hướng dẫn các HTX DVNN quy hoạch diện tích gieo thẳng thành các vùng tập trung, tạo thuận lợi trong gieo cấy, chăm sóc, bảo vệ lúa.
Huyện đã chỉ đạo các xã phối hợp chặt chẽ, linh hoạt với Công ty KTCTTL huyện vận hành nước hiệu quả phục vụ sản xuất, bám sát quá trình sinh trưởng, phát triển của lúa gieo thẳng, nhất là giai đoạn 20 ngày đầu sau gieo.
Vụ xuân năm nay, huyện Yên Khánh có kế hoạch gieo trồng gần 8.500 ha, trong đó diện tích lúa là 7.298,5 ha. Để giành thắng lợi vụ xuân năm 2017, Yên Khánh đã chủ động xây dựng đề án sản xuất, huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc, tập trung xử lý, ứng phó với các diễn biến phức tạp của thời tiết.
Mở rộng tối đa diện tích gieo trồng; tăng cường sử dụng các loại giống có chất lượng tốt, giống chống chịu sâu bệnh, gắn liền với đầu tư thâm canh, đảm bảo đúng khung lịch thời vụ để tăng năng suất, sản lượng.
Đặc biệt, chú trọng sản xuất theo hướng hàng hóa gắn với công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông sản.Tại xã Khánh Nhạc, nơi đạt 100% diện tích lúa gieo thẳng, trên nhiều cánh đồng lúa gieo đã có 1-2 lá, bà con nông dân đang tất bật với việc chăm bón, tỉa dặm, phun thuốc trừ cỏ, ốc...
Chị Phạm Thị Hiền (đội 5 xã Khánh Nhạc) vừa bón lân cho đám lúa mới sạ vừa cho biết: vụ này gia đình chị gieo cấy 1,5 mẫu lúa, tập trung chủ yếu vào 2 giống là LT2 và nếp. Ngay sau Tết, gia đình đã huy động lực lượng tập trung xuống đồng gieo vãi xong.
Thời điểm này, lúa đã lên đều, được 1-2 lá, hiện chị đang tập trung chăm bón, phun thuốc trừ cỏ và bắt ốc bươu vàng. Lãnh đạo HTX Nông nghiệp Hợp Tiến cho biết: chỉ trong 5 ngày (từ 5- 9/2), toàn HTX đã hoàn thành gieo sạ 329 ha lúa và đang tập trung cho việc điều tiết nước để tưới dưỡng lúa, đồng thời tăng cường chỉ đạo các tổ đội sản xuất tổ chức diệt chuột, ốc bươu trên diện rộng.
Đồng chí Trưởng Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện cũng cho biết: Đó chỉ là một trong số nhiều đơn vị của huyện đến thời điểm giữa tháng 2 đã hoàn thành khâu gieo cấy lúa xuân. Toàn huyện đã gieo cấy được 6.311,4 ha, đạt 86,5% diện tích kế hoạch; trong đó các đơn vị đã hoàn thành khâu gieo cấy là: Khánh Hòa, Khánh An, Khánh Phú, Khánh Cư, Khánh Vân, Khánh Hải; Khánh Tiên, Khánh Nhạc, Khánh Cường, Khánh Trung, Khánh Công... các xã còn lại cũng đạt từ 70- 95% diện tích gieo cấy. Như vây, Yên Khánh đã cơ bản hoàn thành khâu gieo cấy lúa xuân trong khung thời vụ tốt nhất.
Trong số 6.311,4 ha lúa xuân đã gieo cấy có 5.883,5 ha được thực hiện bằng biện pháp gieo thẳng và những đơn vị đã hoàn thành khâu gieo cấy lúa cũng là những nơi sử dụng hoàn toàn hoặc chủ yếu việc gieo sạ lúa. Toàn huyện phấn đấu kết thúc gieo thẳng trước ngày 20-2, sớm hơn so với thời gian quy định 5 ngày.
Đinh Chúc