Nắm bắt được nhu cầu học nghề của người lao động, cấp ủy, chính quyền địa phương đã quan tâm chỉ đạo hoạt động đào tạo nghề nhằm đáp ứng nhu cầu của người học và phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, tổ hợp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
Hơn 3 năm đi vào hoạt động, Công ty May Hoàng Thắng (Khu công nghiệp Khánh Phú) hiện có 180 lao động đang làm việc. Theo ông Hoàng Thắng, Giám đốc Công ty: Với đặc thù của Công ty là sản xuất các sản phẩm may mặc phục vụ xuất khẩu, do đó hoạt động tuyển dụng của công ty gắn liền với đào tạo nghề. Từ khi đi vào hoạt động, Công ty đã phối hợp với địa phương vừa tuyển dụng, vừa đào tạo theo hình thức "vừa học, vừa làm" nên nhanh chóng tuyển dụng được lao động theo nhu cầu. Số lao động đang làm việc tại Công ty đều là người trong huyện, trong đó có tới 8% lao động là người xã Khánh Phú. Với 6 dây chuyền sản xuất tại Công ty và 2 cơ sở sản xuất tại xã Khánh Lợi (Yên Khánh) và huyện Kim Sơn, Công ty đều quan tâm đào tạo nghề cho người lao động khi mới vào làm nên hiện nay trình độ tay nghề của công nhân tương đối vững, đáp ứng được các đơn hàng có sự đa dạng về mẫu mã, chủng loại. Hiện nay, sản phẩm của Công ty được xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ với khoảng 270.000 sản phẩm mỗi năm, doanh thu trên 20 tỷ đồng. Với các đơn hàng đã ký kết, Công ty đang có dự định sẽ tuyển dụng và đào tạo thêm 100 lao động để mở rộng quy mô sản xuất lên 9 dây chuyền. Với cách làm từ nhiều năm nay trong việc phối hợp với địa phương để đào tạo nghề theo mô hình, Công ty tin tưởng sẽ tuyển dụng được đủ số lao động theo nhu cầu với chất lượng cao…
Theo kết quả khảo sát của ngành chức năng, huyện Yên Khánh có 85.188 người trong độ tuổi lao động, chiếm 62% dân số, trong đó có 83.655 lao động đang hoạt động kinh tế, số lao động có nhu cầu học nghề là 62.400 người…
Bám sát tinh thần Chỉ thị số 19-CT/T.Ư ngày 5-11-2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về "tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn", cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã quan tâm và đưa công tác dạy nghề là nội dung quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế-xã hội của từng ngành, lĩnh vực.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm cho lao động được huyện quan tâm đẩy mạnh. Qua đó, giúp người lao động định hướng được nghề mình sẽ làm, cần phải đào tạo phù hợp với khả năng, hiểu được mục đích, ý nghĩa, chế độ, chính sách của Nhà nước và trách nhiệm của bản thân khi tham gia học nghề. Căn cứ kết quả khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động, các xã, thị trấn đã thảo luận, thống nhất lựa chọn nghề phù hợp với địa phương, người lao động có nhu cầu, xếp theo thứ tự ưu tiên để đề nghị với huyện tổ chức lớp đào tạo nghề. Do đó, các địa phương trong huyện đã xác định được danh mục nghề đào tạo cho lao động nông thôn phù hợp với đặc điểm tình hình của mỗi địa phương. Đồng thời qua đó còn theo dõi, quản lý, cập nhật biến động về cung- cầu lao động, làm cơ sở cho quy hoạch phát triển mạng lưới, nghề đào tạo, chương trình, giáo viên, cán bộ quản lý dạy nghề, cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề phù hợp…
3 năm qua, các nghề được huyện đưa vào đào tạo là các nghề truyền thống như: làm bún bánh, đan thúng, đan cói, bèo bồng xuất khẩu… và một số nghề mới như: may xuất khẩu, đính hạt cườm, chẻ tăm hương. Đây là những nghề mà sản phẩm làm ra được các doanh nghiệp trong và ngoài huyện cam kết thu mua, lao động sau học nghề có thể tìm kiếm việc làm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện.
Trong 3 năm qua, toàn huyện có 1.840 người được học nghề, số lao động có việc làm sau đào tạo đạt tỷ lệ 75%. Trong đó, nhóm nghề đan cói, bèo bồng, bẹ chuối, lao động có việc làm sau dạy nghề đạt thu nhập từ 25.000 đồng-60.000 đồng/người/ngày. Nghề may công nghiệp có thu nhập bình quân từ 40.000 đồng-50.000 đồng/người/ngày. Nhóm nghề cơ khí và xây dựng dân dụng, mộc có thu nhập từ 120-150 nghìn đồng/người/ngày…
Quan trọng hơn là những lao động qua đào tạo nghề, đáp ứng được các điều kiện về tuyển dụng sẽ sớm có việc làm tại các doanh nghiệp, tổ hợp tại Khu công nghiệp Khánh Phú và trên địa bàn huyện. Đây là điều kiện thuận lợi để huyện Yên Khánh chú trọng chất lượng các lớp đào tạo nghề nhằm đảm bảo tăng tỷ lệ lao động sau đào tạo có việc làm ổn định.
Lý Nhân