Tuy nhiên, qua công tác, kiểm tra đồng ruộng và dự tính, dự báo cho thấy một số đối tượng gây hại phát sinh, phát triển với mức độ và quy mô cao hơn so với vụ trước. Bà Phạm Thị Dung, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và BVTV huyện cho biết: Sâu non-sâu cuốn lá nhỏ lứa 7 nở rộ từ ngày 10-9 đến 16-9 gây hại chủ yếu trên trà lúa gieo sạ trỗ sau ngày 15/9 với mật độ sâu tương đối cao (hàng trăm con/m2) so với cùng lứa vụ trước; tổng diện tích nhiễm khoảng 4.500 ha, trong đó có khoảng 1.500 ha bị nặng.
Do ảnh hưởng của mưa giông trong thời gian qua, nên bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn cũng phát sinh, phát triển mạnh với khoảng 860 ha bị nhiễm, trong đó có 115 ha bị nặng. Sâu non - sâu đục thân lúa 2 chấm nở rộ từ ngày 20-9 đến 5-10 gây hại rộng trên trà lúa trỗ sau ngày 22-9 với khoảng 200 ha bị nhiễm.
Ngoài ra, một số đối tượng gây hại khác cũng cần phải chú ý là. Bệnh khô vằn gây hại rải rác ở các địa phương với diện tích nhiễm khoảng trên 3.700 ha, chuột hại thường xuyên và cục bộ ở nhiều nơi...
Ông Vũ Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT HTX nông nghiệp Hợp Tiến, xã Khánh Nhạc cho biết: Vụ mùa 2016, HTX gieo cấy trên 322 ha lúa, chủ yếu là giống lúa chất lượng cao, gần 100% diện tích được thực hiện bằng biện pháp gieo sạ.
Qua công tác kiểm tra, giám sát đồng ruộng và thông báo của cơ quan chuyên môn, HTX đã tích cực đôn đốc các hộ thành viên phun thuốc trừ sâu cuốn lá nhỏ. Đến ngày 13-9, về cơ bản diện tích lúa bị hại của HTX đã được phun thuốc trừ sâu cuốn lá nhỏ.
Ông Nguyễn Hoàng Kim, Giám đốc HTX nông nghiệp Đồng Xuân Tiến, xã Khánh Thành cho biết: HTX có 255 ha lúa mùa, chủ yếu ở trà mùa sớm với các giống chất lượng cao ngắn ngày (Bắc thơm số 7, LT2, Thiên ưu 8, TBR 288...) nhằm có quỹ đất phát triển vụ đông.
Ngoài việc phải phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ như một số địa phương khác, HTX còn tổ chức phòng trừ bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn với diện tích bị nặng khoảng 50 ha.
Trao đổi với chúng tôi về công tác phòng trừ sâu bệnh cho lúa mùa, ông Đinh Văn Vọng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Ngày 9-9, huyện đã có công văn về việc tập trung phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ và các đối tượng dịch hại khác cho lúa mùa.
Theo đó, các xã, thị trấn, HTX nông nghiệp tập trung chỉ đạo, khuyến cáo và đôn đốc các tổ thủy lợi điều tiết nước hợp lý, tạo điều kiện cho lúa sinh trưởng và phát triển thuận lợi, nhất là thời điểm lúa đang trong giai đoạn làm đòng và trỗ bông.
Tăng cường kiểm tra đồng ruộng, phân rõ các trà lúa, theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết khí hậu và dịch hại trên đồng ruộng, có biện pháp phòng, chống kịp thời, hiệu quả đối với từng đối tượng gây hại.
Đôn đốc nhân dân, hộ gia đình phun trừ sâu cuốn lá nhỏ lứa 7 trỗ sau ngày 15-9 bằng các loại thuốc đặc hiệu và theo quy trình hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn. Các ruộng lúa có mật độ sâu cao hơn 200 con/m2 phải tiến hành phun trừ 2 lần, cách nhau từ 4-5 ngày.
Đối với diện tích lúa trỗ sau ngày 20-9, phun trừ sâu đục thân 2 chấm ở những ruộng có mật độ ổ trứng từ 0,3 ổ/m2 trở lên và phun trừ ngay khi sâu non đang ở tuổi 1 bằng các loại thuốc đặc hiệu, theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; ruộng có mật độ ổ trứng từ 1ổ/m2 trở lên thực hiện phun kép cách nhau từ 5-7 ngày.
Huyện cũng khuyến cáo và yêu cầu nhân dân không phun trừ sâu bệnh ở những diện tích lúa đã trỗ trước ngày 15-9 nhằm tránh lãng phí và bảo vệ môi trường.
Đến thời điểm này, các địa phương của huyện Yên Khánh đã thực hiện nghiêm túc công văn và yêu cầu của huyện tổ chức phòng trừ sâu bệnh tập trung, kịp thời, phấn đấu giành thắng lợi trong vụ lúa mùa năm 2016.
Đinh Chúc