Có mặt tại gia đình ông Phạm Văn Đoàn (xóm 6, xã Khánh Thành) đúng vào những ngày nắng nóng, chúng tôi nhận thấy toàn bộ hệ thống làm mát: Quạt, phun nước tưới trên mái chuồng nuôi lợn của gia đình đều hoạt động hết công suất; hệ thống cửa sổ và cửa ra vào đều được mở thông thoáng… Chia sẻ với chúng tôi, ông Đoàn cho biết: Với kinh nghiệm nhiều năm trong chăn nuôi, để đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi trong điều kiện nắng nóng, gia đình tăng cường dọn vệ sinh chuồng nuôi, tắm mát cho đàn lợn và thường xuyên vận hành hệ thống làm mát bằng quạt hút gió và giàn phun nước tự động trên mái chuồng; phủ thêm rơm, rạ lên mái chuồng để giảm nhiệt độ trong chuồng. Cùng với đó, tăng khẩu phần thức ăn là rau xanh, giảm tinh bột, chất béo; cung cấp đủ nước sạch, mát có bổ sung chất điện giải nhằm hạn chế cơ thể vật nuôi tự sinh nhiệt. Đồng thời tổ chức phun thuốc sát trùng, tiêu độc để chống những tác nhân truyền nhiễm và gây bệnh trong mùa hè; thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh cho đàn lợn. Những đợt nắng nóng kéo dài, tôi chia khẩu phần cho vật nuôi ăn nhiều bữa, cho ăn vào lúc sáng sớm, chiều mát và buổi tối, hạn chế cho ăn vào buổi trưa. Do vậy, đàn lợn của gia đình vẫn bảo đảm sinh trưởng, phát triển tốt.
Ông Chu Văn Bao (xóm 2B, xã Khánh Nhạc) là hộ chăn nuôi thủy cầm với hàng trăm con vịt, chia sẻ: Vào thời điểm nắng nóng gay gắt, gia đình tôi không thả vịt xuống nước; đồng thời tăng cường theo dõi, kiểm tra đàn để biết những con có dấu hiệu bị bệnh, kịp thời cách ly khỏi đàn. Bên cạnh đó, tăng cường trồng cây xanh để vịt có chỗ tránh nắng; thường xuyên vệ sinh chuồng nuôi sạch sẽ, đảm bảo cho chuồng nuôi thoáng mát và có chế độ ăn uống hợp lý để đàn vịt sinh trưởng, phát triển tốt.
Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Yên Khánh: Trên địa bàn huyện có gần 600.000 con gia cầm (vịt, gà); khoảng trên 22.000 con lợn… đó là những loại vật nuôi dễ bị ảnh hưởng và tác động của nắng nóng. Ngay đầu mùa hè, Trung tâm đã tăng cường cán bộ thú y xuống cơ sở kịp thời tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh do nắng nóng gây ra cho đàn vật nuôi. ở các khu chuồng, trại chăn nuôi, vào mùa hè cần tăng cường trồng các loại cây xanh, nhất là các loại cây leo giàn trên các mái chuồng trại, góp phần giảm nhiệt cho khu chuồng nuôi. Các hộ chăn nuôi có quy mô lớn cần giảm mật độ con nuôi, lắp đặt quạt thông gió; chủ động nguồn cung cấp điện, nước; tăng cường thức ăn giàu đạm; giảm tinh bột, chất béo trong khẩu phần... Về chế độ ăn, cần tuân thủ các quy trình cho ăn hợp lý, tăng cường thức ăn thô, giảm tinh bột và các loại thức ăn có chứa nhiều prôtêin. Chủ động quạt mát, chia khẩu phần ăn ra nhiều bữa và thả vật nuôi ở những nơi thoáng, rộng... là những giải pháp mà người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh chống nắng, nóng cho đàn vật nuôi. Nắng nóng kéo dài cũng khiến cho nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi xuất hiện và bùng phát gây khó khăn trong việc điều trị và ảnh hưởng đến sản xuất chăn nuôi. Do vậy, cần theo dõi, giám sát chặt chẽ tình trạng của đàn vật nuôi, phát hiện gia súc, gia cầm ốm, bị bệnh để cách ly, điều trị, xử lý kịp thời; đặc biệt là với các bệnh về đường tiêu hóa, hô hấp và các bệnh truyền nhiễm.
Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của các xã, thôn về cách chăm sóc gia súc, gia cầm, chủ động chống nóng và thường xuyên kiểm tra, theo dõi vật nuôi để có những giải pháp kịp thời phòng, chống dịch bệnh có thể xảy ra vào mùa hè, người chăn nuôi nên nhiều năm trở lại đây, trên địa bàn huyện chưa xảy ra hiện tượng vật nuôi chết hàng loạt do nắng nóng.
Bài, ảnh: Trường Sinh