Nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân không ngừng được nâng lên, góp phần ổn định quy mô, cơ cấu dân số, nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn huyện.
Để thực hiện hiệu quả các nội dung của Pháp lệnh Dân số, UBND huyện Yên Khánh đã tổ chức hội nghị triển khai Pháp lệnh đến các ban, ngành, đoàn thể, cán bộ và nhân dân trong toàn huyện.
Cùng với đó, huyện ban hành các văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung tuyên truyền, vận động, thực hiện tốt các chính sách về công tác dân số - KHHGĐ, nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ, đáp ứng nhu cầu của người dân.
Các hoạt động truyền thông về Pháp lệnh Dân số được tiến hành đồng bộ dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: hội thảo, nói chuyện chuyên đề, phát thanh, sách, báo, tạp chí, tờ rơi, tờ gấp, pa nô, khẩu hiệu, băng đĩa, sinh hoạt CLB và lồng ghép vào sinh hoạt ngoại khóa ở trường học…
Xây dựng và duy trì các mô hình dựa vào cộng đồng như: Mô hình câu lạc bộ "Phụ nữ không sinh con thứ 3"; mô hình "Xã, thị trấn, cụm dân cư không có người sinh con thứ 3 trở lên", "Lồng ghép đưa chính sách dân số vào hương ước, quy ước làng văn hóa".
Duy trì thực hiện tốt các chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ SKSS/KHHGĐ đến vùng sâu, vùng xa, vùng có mức sinh cao thông qua việc triển khai 3 gói dịch vụ: Kế hoạch hóa gia đình, Làm mẹ an toàn và Phòng, chống viêm nhiễm đường sinh sản 1 năm 2 đợt tại 19/19 xã, thị trấn.
Thông qua tuyên truyền và tư vấn tại cộng đồng nhằm nâng cao kiến thức, hiểu biết của người dân về chăm sóc SKSS/KHHGĐ, từ đó tăng tỷ lệ người chấp nhận và sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại, góp phần duy trì mức giảm sinh bền vững, hạn chế gia tăng mạnh người sinh con thứ 3 trở lên qua các năm.
Cùng với công tác tuyên truyền, huyện Yên Khánh còn huy động, tập trung các nguồn lực từ ngân sách, xã hội hóa công tác dân số nhằm tăng cường việc cung cấp dịch vụ KHHGĐ, quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực từ huyện đến cơ sở.
Đến nay, Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện, Trung tâm Y tế huyện và các Trạm y tế xã, thị trấn trên địa bàn huyện đảm bảo đủ điều kiện thực hiện các dịch vụ KHHGĐ có chất lượng. Số lượng cán bộ làm dịch vụ kỹ thuật từ huyện đến cơ sở được đào tạo mới và đào tạo lại, do vậy, việc triển khai dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ thuận lợi và đạt hiệu quả cao…
Sau 10 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số, quy mô dân số trên địa bàn huyện được duy trì ở mức hợp lý.Tỷ lệ giảm sinh hàng năm cơ bản đạt và vượt chỉ tiêu đề ra, số con trung bình của 1 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ giảm từ 2,4 con năm 2003 xuống còn 1,93 con năm 2012. Toàn huyện đạt mức sinh thay thế từ năm 2005; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm từ 16,40% xuống còn 13,28% năm 2012; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm từ 9,22%o năm 2003 xuống còn 5,65%o.
Chương trình chăm sóc SKSS và tăng cường dịch vụ KHHGĐ đến vùng đông dân, vùng có mức sinh cao được thực hiện thường xuyên trong các đợt cao điểm, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhóm đối tượng tiếp cận dịch vụ, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu về dân số/KHHGĐ, giảm tỷ lệ người sinh con thứ 3 trở lên (đến nay, trên địa bàn huyện có 97/268 địa bàn không có người sinh con thứ 3 trở lên, tiêu biểu như các xã: Khánh Trung, Khánh Cường, Khánh Thành, Khánh Hội, Khánh Vân, Khánh An, Khánh Mậu có 7 đến 10 địa bàn không có người sinh con thứ 3 trở lên). Tỷ số giới tính khi sinh có xu hướng tăng qua các năm, năm 2012 là 114 bé trai/100 bé gái. Lợi ích của KHHGĐ và quy mô gia đình ít nhỏ ngày càng được nhiều người chấp nhận…
Những năm gần đây, chỉ tiêu về chất lượng dân số đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền trong huyện quan tâm thực hiện thông qua các mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số như: mô hình "Khám và tư vấn tiền hôn nhân", đề án "Sàng lọc trước sinh và sơ sinh", "Tư vấn và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng".
Đến năm 2010, 19/19 xã, thị trấn trên địa bàn huyện được triển khai đề án "Sàng lọc trước sinh và sơ sinh" (năm 2009 bắt đầu thực hiện, triển khai ở 15 xã, thị trấn), đã tổ chức 121 buổi nói chuyện chuyên đề cho 1.370 người là lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể và 187 cuộc cung cấp kiến thức cho 7.285 phụ nữ tại các thôn, xóm, phố. Toàn huyện hiện có 9 câu lạc bộ tiền hôn nhân và đã tổ chức được 112 lớp cung cấp kiến thức về chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho hơn 4.200 vị thành niên, thanh niên trong và ngoài nhà trường…
Việc thực hiện được các mô hình, đề án đã góp phần nâng cao sức khỏe cho nam, nữ thanh niên, giảm tỷ lệ phụ nữ có bệnh, kể cả HIV/AIDS lây truyền sang con khi mang thai và sinh con, giảm tỷ lệ trẻ em bị dị tật bẩm sinh, tăng số phụ nữ mang thai lần đầu có kiến thức, thực hành chăm sóc sức khỏe và nuôi con theo khoa học, giảm tỷ lệ nạo phá thai ở tuổi vị thành niên, thanh niên, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em 5 tuổi, giảm tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi.
Tiến Minh