Đồng chí Vũ Văn Phán, Chủ tịch UBND xã Yên Đồng cho biết: Yên Đồng là xã đặc thù khó khăn của huyện Yên Mô. Kinh tế của Yên Đồng chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp. Vậy nhưng điều kiện để phát triển sản xuất lại không thuận lợi do diện tích ruộng trũng là chủ yếu.
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các giống lúa năng suất cao vào canh tác còn hạn chế, bởi vậy mà năng suất, thu nhập từ đồng ruộng thấp. Chưa thể sống vững được bằng nghề nông, trong khi đó thì việc làm thêm lúc nông nhàn cho người dân thì hầu như chưa có gì, đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, trước đây, vẫn còn một bộ phận người dân trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước hoặc chấp nhận sự nghèo đói như một định mệnh.
Xác định rõ, muốn giảm nghèo hiệu quả thì phải bắt đầu từ việc thay đổi nhận thức cho người nghèo. Theo đó, xã đã huy động sự tích cực vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác giảm nghèo. Đảng ủy xã Yên Đồng đã đề ra nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động và hết sức quan tâm chỉ đạo các hội, đoàn thể thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo cho nhân dân.
Ban chỉ đạo công tác giảm nghèo của xã được thành lập, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ đã được phân công, các thành viên trong Ban chỉ đạo phát huy tinh thần trách nhiệm, nêu cao vai trò trong việc kiểm tra, giám sát và có nhiều kiến nghị, đề xuất giúp các thôn trong xã thực hiện tốt chương trình giảm nghèo.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền được đặt lên hàng đầu với nhiều hình thức đa dạng, nội dung phong phú, như tập trung tuyên truyền, phổ biến chính sách của Đảng, Nhà nước về chương trình quốc gia xóa đói, giảm nghèo, những mục tiêu, giải pháp của địa phương; những gương điển hình thoát nghèo vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, các mô hình sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả cao…, giúp người dân có thể vận dụng làm theo.
Nhờ đó, đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân về công tác này, khơi dậy tinh thần tự lực trong phát triển kinh tế của các hộ gia đình. Người dân hăng hái tham gia làm kinh tế, các hộ nghèo đã biết tận dụng thật tốt mọi sự hỗ trợ làm "lực đẩy" để vươn lên thoát nghèo.
"Vốn là đồng chiêm trũng, người dân không lạ lẫm gì với việc nuôi thủy sản, thậm chí Yên Đồng từng là địa phương có diện tích nuôi thủy sản lớn nhất của huyện Yên Mô. Vậy nhưng, vì sao bao năm nay người nuôi thủy sản ở Yên Đồng vẫn nghèo, kinh tế vẫn khó? Đó là bởi người dân nuôi theo lối quảng canh, mới chỉ có "thả" chứ không phải là nuôi.
Xác định rõ nguyên nhân, chúng tôi vận động người dân "biến khó khăn trong sản xuất nông nghiệp trở thành lợi thế" để hình thành hướng phát triển kinh tế mới "- đồng chí Chủ tịch UBND xã nói. Để tạo điều kiện thuận lợi cho bà con phát triển sản xuất nông nghiệp, hình thành những mô hình chăn nuôi thủy sản có quy mô, xã Yên Đồng đã thực hiện dồn điền, đổi thửa.
Mỗi gia đình từ 4-6 mảnh ruộng nay chỉ còn từ 1-3 mảnh, nhiều hộ chỉ còn 1 mảnh. Dồn điền, đổi thửa đã tạo điều kiện cho bà con đưa cơ giới hóa và ứng dụng KHKT vào sản xuất. Đối với diện tích cấy lúa kém hiệu quả, xã đã vận động bà con chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản áp dụng công nghệ cao.
Để minh chứng cho câu chuyện, đồng chí Chủ tịch UBND xã đưa chúng tôi đi tham quan mô hình nuôi thủy sản đã giúp người dân thoát nghèo ở địa phương, đó là gia đình ông Hồ Văn Thể ở xóm Hoàng Tiến. Ông Thể vừa thu hoạch lứa cá giống đầu tiên và đang cải tạo ao đầm để chuẩn bị thả lứa thứ hai.
Tạm dừng công việc để tiếp chuyện chúng tôi, ông Thể phấn khởi "khoe": vụ thu hoạch cá giống vừa rồi, trừ các khoản chi phí đầu tư, gia đình tôi đã được cầm khoản tiền lãi 50 triệu đồng. Số tiền lớn nhất từ trước đến nay từ thu hoạch cá, mặc dù tôi nuôi cá từ năm 1993. Với số tiền này, ông Thể cho biết sẽ trích ra để tiếp tục đầu tư, cải tạo ao đầm để thả lứa cá giống mới. Còn lại, ông sẽ gửi vào ngân hàng để tiết kiệm lo cho tuổi già của hai ông bà.
"Trước đây tôi nuôi cá thịt, nhưng do không vững kiến thức, kỹ năng chăn nuôi nên cá chậm lớn, lại hay bị dịch bệnh và chết nhiều. Ao đầm manh mún, thu nhập từ ao chẳng đáng là bao nhiêu, thành ra vợ chồng tôi luôn là hộ nghèo trong xã. Từ năm 2017, tôi thực hiện dồn điền, đổi thửa để mở rộng diện tích ao, đồng thời tích cực tham gia vào tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản của xã- tiền thân của HTX chăn nuôi thủy sản hiện nay.
Tham gia vào HTX, tôi được cập nhật những kiến thức mới về chăn nuôi tại các lớp tập huấn KHKT do địa phương tổ chức, đồng thời được lắng nghe chia sẻ kinh nghiệm từ những người chăn nuôi hiệu quả thì tôi đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm.
Hiện nay, tôi chuyển từ nuôi cá thịt sang cá giống. Nuôi cá giống đỡ vất vả, rủi ro hơn cá thịt, lại không phải lo tìm đầu ra vì được cung cấp luôn cho những hộ nuôi cá trong và ngoài xã. Ở Yên Đồng, có nhiều hộ thắng lớn từ nuôi cá. Ví như gia đình ông Phạm Đình Oanh ở thôn Phong Lẫm Bắc, chỉ trong 6 tháng đầu năm, 8 sào ao đã mang về khoản tiền lãi 80 triệu đồng"- ông Thể nói.
Để hỗ trợ bà con về kiến thức, HTX chăn nuôi thủy sản ở Yên Đồng đã được thành lập. Hiện nay, HTX đang thu hút 52 hộ tham gia, trong đó có cả những hộ nghèo. Ngoài nuôi thủy sản, nhiều hộ nghèo ở Yên Đồng cũng mạnh dạn vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế như mô hình nuôi ếch và thỏ… bước đầu cho hiệu quả cao.
Với việc xây dựng định hướng phát triển kinh tế phù hợp, công tác giảm nghèo ở Yên Đồng hứa hẹn có sự khởi sắc. Cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo của Yên Đồng là 8,3%, trong đó, hộ nghèo có lao động là 4,8%. Tỷ lệ này chắc chắn sẽ giảm đáng kể vào cuối năm 2019, khi mà những mô hình kinh tế của người nghèo ở Yên Đồng đã bắt đầu cho thu nhập ổn định.
Bài, ảnh: Đào Hằng