Ý kiến các tầng lớp nhân dân về thành lập tỉnh Ninh Bình
Thứ Ba, 01/07/2025, 08:37
Zalo
Cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đều đặt niềm tin, kỳ vọng mới vào sự phát triển bền vững của tỉnh Ninh Bình sau sáp nhập.
Diện mạo nông thôn mới xã Xuân Trường. Ảnh: Hoàng Tuấn
Tin tưởng sự lãnh đạo của Đảng trong cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy
Đảng viên Vũ Văn Quyền (90 tuổi, xóm Nhì, xã Hiển Khánh).
Năm nay tôi 90 tuổi, 66 năm tuổi Đảng. Tham gia cách mạng từ đầu những năm 1950, trực tiếp tham gia 2 cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ; sau này làm Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, tôi luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng đã dẫn đường, đưa đất nước, Nhân dân giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, xây dựng Việt Nam ngày càng hùng cường, thịnh vượng.
Việc sắp xếp, sáp nhập không chỉ là thay đổi địa giới hành chính, mà còn là cơ hội lớn để tổ chức lại bộ máy. Các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã mới có quy mô lớn hơn, bộ máy quản lý hiện đại, chuyên nghiệp hơn, tạo không gian phát triển mới, rộng mở hơn để khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của vùng đất, con người mỗi địa phương.
Việc hợp nhất 3 tỉnh Ninh Bình, Hà Nam, Nam Định thành tỉnh Ninh Bình mới hiện nay là cơ hội lớn để cộng hưởng sức mạnh, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh về các ngành kinh tế chủ lực như: Du lịch, công nghiệp, công nghiệp văn hóa gắn với bảo tồn di sản và kinh tế biển... của từng địa phương trước đây để xây dựng Ninh Bình trở thành trung tâm của vùng Đồng bằng Sông Hồng và cả nước, hướng tới thành phố trực thuộc Trung ương.
Tỉnh Ninh Bình mới hội tụ đủ lợi thế
Bùi Kim Thoa (Cựu chiến binh phường Vân Giang, thành phố Hoa Lư (cũ).
Là người từng chứng kiến nhiều lần điều chỉnh đơn vị hành chính, khi 3 tỉnh Ninh Bình, Hà Nam và Nam Định nhập, tách, tôi phần nào hiểu những cơ hội, thuận lợi và cả khó khăn, thách thức đặt ra. Tôi cho rằng, đây là việc làm cần thiết để phù hợp với các giai đoạn lịch sử và định hướng phát triển qua các thời kỳ.
Hiện nay, cả 3 tỉnh đều đang có bước phát triển mạnh mẽ, tạo tiền đề thuận lợi cho việc hợp nhất nhằm mở rộng dư địa và không gian phát triển liên vùng. Hà Nam có vị trí địa lý tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội, giao thông thuận lợi. Nam Định sở hữu tiềm năng lớn về phát triển kinh tế biển. Trong khi đó, Ninh Bình nổi bật với tài nguyên thiên nhiên phong phú và kho tàng di sản văn hóa, lịch sử đặc sắc.
Sau khi sáp nhập, tỉnh mới sẽ hội tụ đầy đủ các lợi thế chiến lược để thúc đẩy phát triển kinh tế toàn diện và bền vững. Do đó, tôi hoàn toàn đồng thuận với phương án sáp nhập 3 tỉnh. Đây không chỉ là giải pháp về mặt tổ chức hành chính mà còn là bước đi chiến lược nhằm khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế các địa phương.
Hợp nhất 3 tỉnh, mở ra kỷ nguyên phát triển mạnh mẽ cho ngành Du lịch
Ngô Đình Phương (Giám đốc Công ty TNHH MTV Lạc Hồng, đơn vị đầu tư và khai thác Khu du lịch Hang Múa).
Là chủ doanh nghiệp đầu tư khai thác du lịch đã và đang đón hàng triệu lượt khách mỗi năm như Khu du lịch Hang Múa, chúng tôi vô cùng phấn khởi và đặt nhiều kỳ vọng vào việc hợp nhất 3 tỉnh Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình. Đây không chỉ là một thay đổi về địa giới hành chính mà là bước đột phá chiến lược, hứa hẹn mở ra kỷ nguyên phát triển mạnh mẽ cho ngành Du lịch vào tạo cơ hội lớn cho các nhà đầu tư.
Sức hấp dẫn của tỉnh Ninh Bình mới được củng cố mạnh mẽ nhờ sự tổng hòa độc đáo về địa lý, tài nguyên và văn hóa. Tỉnh mới hứa hẹn trở thành thỏi nam châm khổng lồ, thu hút mạnh mẽ du khách và các nhà đầu tư lớn.
Chúng tôi kỳ vọng vào những chính sách đồng bộ, quy hoạch rõ ràng và môi trường đầu tư thông thoáng, khuyến khích các dự án hạ tầng du lịch quy mô lớn, khu nghỉ dưỡng cao cấp và dịch vụ bổ trợ chất lượng cao. Hạ tầng du lịch cũng sẽ được nâng cấp đồng bộ, từ đường sá đến hệ thống lưu trú đa dạng.
Chúng tôi tin tưởng rằng, với tiềm năng vượt trội và sự chỉ đạo nhất quán từ chính quyền tỉnh Ninh Bình mới, ngành Du lịch sẽ bứt phá mạnh mẽ. Hang Múa cùng cộng đồng doanh nghiệp sẵn sàng đồng hành và góp phần xây dựng tỉnh Ninh Bình mới trở thành một thủ phủ du lịch di sản và sinh thái của Việt Nam, mang lại thịnh vượng và tự hào cho toàn thể người dân.
“...Chính quyền địa phương 2 cấp phải thực sự là nơi chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp, vì sự phát triển bền vững và lợi ích chung của toàn xã hội”
Nguyễn Văn Bình (Giám đốc Công ty Cổ phần Cảng Thái Hà, xã Bắc Lý).
Công ty Cổ phần Cảng Thái Hà đóng trên địa bàn xã Chân Lý, Lý Nhân, tỉnh Hà Nam (cũ) nay thuộc xã Bắc Lý (tỉnh Ninh Bình), là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh vận tải đường thủy nội địa, đóng vai trò kết nối quan trọng trong chuỗi hoạt động dịch vụ logistics trong và ngoài tỉnh. Việc doanh nghiệp đầu tư giai đoạn 2 vào đúng thời điểm tỉnh Ninh Bình mới được thành lập và chính quyền 2 cấp chính thức vận hành, sẽ là điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp sớm hoàn thiện các thủ tục hành chính; đẩy nhanh tiến độ đầu tư.
Tôi tin rằng, với việc vận hành hiệu quả chính quyền 2 cấp sẽ góp phần rút ngắn một bước trong quy trình xử lý hồ sơ thủ tục hành chính, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí. Nhiều thủ tục như cấp giấy chứng nhận đầu tư, cấp phép xây dựng, xử lý đất đai, môi trường… sẽ được xử lý trực tiếp ở cấp tỉnh hoặc xã, giảm tình trạng hồ sơ bị tồn đọng ở cấp trung gian. Điều đó, cũng có nghĩa khi bộ máy được tinh gọn, chính quyền các cấp cũng sẽ chủ động hơn trong xúc tiến, kêu gọi đầu tư và đồng hành với doanh nghiệp.
Bản thân tôi, cũng như nhiều doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khác trên địa bàn kỳ vọng chính quyền địa phương 2 cấp không chỉ là sự thay đổi về mô hình hành chính mà thực sự là một bước tiến trong tư duy phục vụ, nơi chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp, vì sự phát triển bền vững và lợi ích chung của toàn xã hội.
Tuy nhiên, theo tôi, vấn đề quan trọng là cơ chế vận hành cần linh hoạt, minh bạch và phải có sự kiểm tra, giám sát thường xuyên. Có như vậy, việc tổ chức, vận hành chính quyền địa phương theo mô hình 2 cấp chính mới thực sự phát huy được hiệu quả; tối ưu nguồn lực và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tạo sức hút đối với các nhà đầu tư vào địa bàn.
Niềm tin, kỳ vọng mới cho nông nghiệp và thủy sản phát triển bền vững
Nguyễn Văn Bình (Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Nuôi trồng thủy sản Hải Điền, xã Hải Tiến).
Hơn chục năm gắn bó với nghề nuôi thủy đặc sản như cá vược, tôm sú, tôm thẻ chân trắng, ốc hương…, tôi phấn khởi khi 3 tỉnh Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình sáp nhập thành tỉnh Ninh Bình mới. Với quy mô và các tiềm năng nhiều mặt của tỉnh mới tôi tin đây sẽ là cơ hội lớn để ngành thủy sản nói riêng, nông nghiệp nói chung của tỉnh sẽ phát triển mạnh mẽ hơn.
Chúng tôi mong muốn tỉnh mới sớm quy hoạch các vùng sản xuất một cách tổng thể, khoa học và có tầm nhìn dài hạn. Vùng ven biển có thế mạnh nuôi thủy sản mặn lợ như Hải Tiến, Giao Ninh, Rạng Đông, Kim Đông… hay những vùng nuôi nước ngọt ở Ninh Giang, Thanh Sơn, Nhân Hà… được ưu tiên đầu tư đồng bộ về hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện lưới, hệ thống xử lý nước thải, khu chế biến.
Điều đó không chỉ giúp giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế mà còn nâng cao chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đủ điều kiện chinh phục các thị trường khó tính như EU, Nhật Bản hay Hoa Kỳ.
Tôi tin rằng, với quyết tâm chính trị cao, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và đặc biệt là sự lắng nghe tiếng nói của người dân, tỉnh Ninh Bình mới sẽ là hình mẫu điển hình trong tổ chức lại sản xuất nông nghiệp hiện đại, sinh thái và bền vững, góp phần hiện thực hóa mục tiêu “xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nâng cao đời sống người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau”.