Phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Hơn 80 năm qua, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Từ thực tiễn cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn khẳng định: Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân là mối quan hệ máu thịt. Sau 25 năm đổi mới và 20 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh năm 1991), tại Đại hội XI của Đảng lần này, "phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc" được xác định là mục tiêu, động lực, hành động quan trọng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trong thời kỳ mới nhằm đưa đất nước ta đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. |
|
Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh là nội dung văn kiện được nhiều đại biểu dự Đại hội XI quan tâm. Bởi vì, chúng ta chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh và bền vững thì vai trò của hệ thống chính trị có ý nghĩa quyết định đến thực hiện thành công sự nghiệp cách mạng của Đảng. Xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh với vai trò nòng cốt là sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành, quản lý của Nhà nước và nhân dân làm chủ thông qua vai trò đại diện của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể nhân dân. Phát huy vai trò tập hợp, đoàn kết mọi người vào mặt trận chung, tăng cường đồng thuận xã hội của MTTQ và các đoàn thể để hướng tới mục tiêu chung là "xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh". Thực hiện tốt vai trò đó, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể nhân dân tiếp tục tăng cường tổ chức, đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động, khắc phục tình trạng hành chính hóa, phát huy vai trò nòng cốt tập hợp, đoàn kết nhân dân xây dựng cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; thực hiện dân chủ, giám sát và phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh; tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Nguyễn Thị Thanh (TVTU, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy)
Nâng cao vai trò, tính chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng
Trong 5 năm qua, Đảng ta đã có những chủ trương, quyết sách lớn lãnh đạo đất nước ta đạt được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, chính trị, an ninh, quốc phòng, ngoại giao. Đại hội XI của Đảng ngoài tổng kết nhiệm kỳ 5 năm (2006 - 2010) còn có nhiệm vụ trọng đại là bàn thảo và thông qua những quyết sách mang tính định hướng cho sự phát triển của đất nước trong 5 năm tới, đồng thời định hướng và động viên toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta tiếp tục phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. |
|
Văn kiện Đại hội XI của Đảng đã khẳng định: Giữ vững bản chất và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta hiện nay. Để xây dựng Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, cần tập trung củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng. Bởi vì, tổ chức cơ sở đảng là nơi trực tiếp tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước tới cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.
Mỗi giai đoạn của cách mạng đều gắn với liền với sự phát triển của đất nước cũng như những thay đổi về nhận thức để phù hợp với sự phát triển của thời kỳ mới. Do đó, Đảng ta cần coi trọng việc giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên; phát huy tính tiên phong, gương mẫu của đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ được giao; quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ từ cơ sở để đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cấp ủy các cấp cần đổi mới tư duy, phong cách lãnh đạo, tập trung cho cơ sở, hướng về cơ sở, gắn bó mật thiết với nhân dân. Vận dụng sáng tạo những chủ trương, đường lối của Đảng vào thực tiễn ở cơ sở, gắn lý luận với thực tiễn để ban hành những quyết sách đúng và trúng. Trong tổ chức, hoạt động của các cấp ủy, tổ chức đảng, cần thực hiện đầy đủ, nguyên tắc tập trung, dân chủ, đấu tranh tự phê bình và phê bình. Giữ gìn sự đồng thuận, thống nhất trong Đảng.
Với niềm tin tưởng vào nguồn sức lực mới tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, trong giai đoạn cách mạng mới, Đảng ta sẽ lãnh đạo đưa đất nước giành được những thành tựu lớn, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Nguyễn Chí Tình (TUV, Bí thư Thị ủy Tam Điệp)
Mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục có các chính sách cụ thể quan tâm đến nông nghiệp, nông dân và nông thôn
Trong nhiệm kỳ qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách quan tâm, đầu tư cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Đặc biệt, Nghị quyết T.Ư 7 (khóa X) được ban hành và đi vào cuộc sống đã thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn ngày càng phát triển. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ người nghèo, giải quyết việc làm, mở rộng an sinh xã hội... đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân. Là thành viên của Đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Bình, mang tiếng nói của cán bộ, đảng viên, nhân dân trong tỉnh gửi gắm về Đại hội, tôi rất phấn khởi vì trong dự thảo các văn kiện trình Đại hội XI của Đảng. |
|
Có nhiều nội dung đề cập tới lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn, trong đó xác định 5 năm tới, tập trung phát triển nông nghiệp toàn diện, hiệu quả, bền vững theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; khuyến khích tập trung ruộng đất, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao. Xây dựng nông thôn mới theo hướng văn minh, giàu đẹp, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân. Đây cũng là nội dung được Đại hội tập trung thảo luận và nhiều đại biểu quan tâm.
Bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta còn nhiều khó khăn, thách thức. Để vượt qua những khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, tôi mong muốn từ những định hướng lớn của Đại hội XI, Đảng và Nhà nước ta tiếp tục có những chính sách, giải pháp cụ thể để phát triển kinh tế - xã hội nông thôn; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực nông thôn, hỗ trợ, khuyến khích nông dân học nghề, chuyến dịch cơ cấu lao động, tiếp nhận và áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất; tạo điều kiện đề nâng cao chất lượng cuộc sống của người nông dân để người nông dân thực sự là chủ thể trong quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
Bùi Mai Hoa (TUV, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh)