Tăng trưởng công nghiệp với tốc độ cao nhằm tạo đột phá trong phát triển kinh tế của tỉnh Trước hết, tôi đồng tình cao với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 của UBND tỉnh trình tại kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XIII, trong đó phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành công nghiệp - xây dựng đạt khoảng 16%, riêng công nghiệp phấn đấu tăng 23%; giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 830 triệu USD. Tôi cho rằng mục tiêu này là phù hợp và hoàn toàn có thể thực hiện được bởi các chỉ tiêu được đưa ra dựa trên tình hình thực tế và dựa trên kết quả năm 2014, mục tiêu nhiệm vụ năm 2011- 2015.
Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là chúng ta có thể dễ dàng đạt được mục tiêu, bởi trong bối cảnh tình hình kinh tế trong nước và thế giới được dự báo là tiếp tục có nhiều khó khăn, bất lợi thì các cấp, các ngành phải tập trung chỉ đạo, vào cuộc một cách tích cực. Trong đó, phải tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng một cách đồng bộ, chú trọng đầu tư tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp theo hướng xã hội hóa.
Cùng với đó, tỉnh cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, đổi mới phương thức kêu gọi, xúc tiến đầu tư để chọn được những dự án hiệu quả, đem lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, tạo việc làm cho lao động và bảo vệ môi trường. Có các giải pháp giúp doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận, giải ngân vốn cho vay, mở rộng tiêu thụ sản phẩm cho lĩnh vực vật liệu xây dựng. Đẩy nhanh tiến độ thi công Nhà máy sản xuất phân bón NPK Bình Điền - Ninh Bình, Nhà máy luyện cán thép chất lượng cao Kyoei, Nhà máy kính nổi CFG...
Về phía các doanh nghiệp, các đơn vị cũng cần phải tăng cường xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường xuất khẩu. Về phía Sở Công thương, để thực hiện mục tiêu này, trong năm 2015, Sở tích cực tham mưu với UBND tỉnh, phối hợp với các cấp, ngành đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp và làng nghề gắn với quy hoạch bố trí sản xuất trong xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ đầu tư sản xuất công nghiệp phục vụ nông nghiệp và kinh tế nông thôn…, phấn đấu đưa công nghiệp phát triển bảo đảm sự ổn định về mọi mặt, tăng trưởng với tốc độ cao nhằm tạo đột phá trong phát triển kinh tế của tỉnh.
Phạm Thị Hồng (Giám đốc Sở Công thương Ninh Bình)
Kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ giúp mỗi đồng chí tự nhìn nhận lại những ưu, khuyết điểm của mình
Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 12 người giữ chức vụ do HĐND bầu. Đây là lần thứ hai HĐND tỉnh thay mặt cử tri và nhân dân trong tỉnh thực hiện việc đánh giá tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo chủ chốt trong bộ máy nhà nước của địa phương. Tôi cho rằng hoạt động này góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND; đồng thời cũng giúp người được lấy phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động.
Qua theo dõi quá trình thực hiện và kết quả của việc lấy phiếu tín nhiệm, có thể thấy việc xem xét, đánh giá các chức danh đã được tiến hành khách quan, dựa trên kết quả năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao và phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống cá nhân của từng cán bộ đang đảm nhận chức vụ do HĐND tỉnh bầu. Nhìn chung những người được lấy phiếu tín nhiệm đều đạt tỷ lệ tín nhiệm cao. Chúng tôi mong muốn trong thời gian tới để đảm bảo việc lấy phiếu tín nhiệm đi vào thực chất, không hình thức, ngay sau kỳ họp, HĐND tỉnh tiếp tục giám sát, giúp đỡ một số chức danh còn có số phiếu tín nhiệm thấp (tuy không nhiều) điều chỉnh những thiếu sót, khắc phục những hạn chế trong chỉ đạo, điều hành thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao. Những người được lấy phiếu tín nhiệm cần tiếp tục dành nhiều thời gian sâu sát cơ sở, nghiên cứu những vấn đề thực tiễn đặt ra, từ đó kịp thời đề xuất để HĐND tỉnh xem xét, quyết định và có những giải pháp hữu hiệu hơn trong việc giải quyết các vấn đề mà đông đảo cử tri quan tâm.
Nguyễn Phú Cường (Chủ tịch Hội CCB xã Như Hòa, huyện Kim Sơn)
Đinh Ngọc-Duy Hiền (thực hiện)