Qua các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh, tôi đã theo dõi khá đầy đủ nội dung chương trình kỳ họp thứ tư, HĐND tỉnh khóa XIII. Tôi thấy kỳ họp lần này có nhiều đổi mới với việc ban hành Nghị quyết thông qua các đề án, quy định quan trọng, giải quyết được những vấn đề đang rất thời sự hiện nay, đáp ứng sự mong đợi của cử tri và nhân dân trong tỉnh. Tôi đồng tình cao với việc HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết phê duyệt Đề án kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường giai đoạn 2012-2015. Bởi lẽ tình trạng ô nhiễm môi trường do khói bụi, nước thải ở các khu, cụm công nghiệp; rác thải ở khu vực nông thôn và đô thị trên địa bàn tỉnh đang diễn ra hết sức phức tạp, gây bức xúc trong một bộ phận dân cư. Vì vậy, việc ban hành Đề án kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường với nhiều mục tiêu cụ thể như: Đến năm 2015 việc thu gom, xử lý rác thải khu vực nông thôn và đô thị được giải quyết một cách cơ bản; 100% các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ mới xây dựng phải được trang bị các thiết bị giảm thiểu ô nhiễm, xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường… cùng những giải pháp thực hiện toàn diện trên các mặt cơ chế, chính sách, công tác quản lý là hết sức cần thiết. Tôi mong rằng, Đề án sẽ nhanh chóng đi vào cuộc sống, góp phần hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, khắc phục tình trạng suy thoái và cải thiện chất lượng môi trường sống của nhân dân trong tỉnh.
Nguyễn Văn Thanh
(Cử tri xã Gia Trấn, huyện Gia Viễn)
Đề án xây dựng nông thôn mới sẽ tạo ra một "cú hích" quan trọng
Tôi cho rằng, việc ban hành Đề án xây dựng nông thôn mới tỉnh Ninh Bình là rất cần thiết nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 03-NQ/TU ngày 16-1-2012 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XX) về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020. Đề án xây dựng nông thôn mới được HĐND tỉnh thông qua trong kỳ họp lần này có tính bao phủ rộng lớn tới 19 tiêu chí với nhiều nội dung được hỗ trợ hoặc được ưu đãi đầu tư. Trong đó, Đề án đã xác định các mục tiêu cụ thể về xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội; phát triển kinh tế và tổ chức sản xuất; văn hóa - xã hội và môi trường; hệ thống chính trị theo các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Đồng thời đề ra những giải pháp cụ thể nhằm huy động các nguồn vốn thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới thông qua sự hỗ trợ từ vốn ngân sách, từ nguồn vốn của các doanh nghiệp, vốn tín dụng và vốn do nhân dân đóng góp. Trên cơ sở đó, đã quy định một cách rõ ràng, minh bạch về cơ chế và chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới trên các lĩnh vực: quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng; phát triển sản xuất; kinh phí hoạt động cho Ban chỉ đạo xã, Ban phát triển thôn. Tôi cho rằng, với những biện pháp khá toàn diện, Đề án sẽ tạo ra một "cú hích" quan trọng trong triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, xây dựng nông thôn mới là cuộc vận động toàn dân, toàn diện, lâu dài, đòi hỏi cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân quyết tâm thực hiện. Vì vậy, để đảm bảo tiến độ xây dựng nông thôn mới, UBND tỉnh, các sở, ngành cần nhanh chóng triển khai Đề án, đặc biệt là hỗ trợ kinh phí kịp thời. Qua đó tiếp tục tạo được niềm tin và sự phấn khởi trong các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Nguyễn Hoàng Kim
(Đại biểu HĐND tỉnh ứng cử tại huyện Yên Khánh)
Tăng số lượng và nâng mức phụ cấp cho lực lượng bảo vệ dân phố là cần thiết
Trong những năm qua, được sự quan tâm của các cấp, các ngành trong tỉnh, đặc biệt là sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 05/2009/NQ-HĐND ngày 15-7-2009 của HĐND tỉnh về việc quy định tổ chức và mức phụ cấp đối với lực lượng bảo vệ dân phố trên địa bàn tỉnh, lực lượng bảo vệ dân phố đã được củng cố, hiệu quả hoạt động được nâng lên, là lực lượng nòng cốt trong phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, góp phần quan trọng trong việc giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu dân cư. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, khi các hành vi vi phạm pháp luật, các loại tội phạm, tai, tệ nạn xã hội ngày càng diễn biến phức tạp thì nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự tại cơ sở, nhất là khu vực đô thị đang đặt ra ngày càng cấp thiết hơn. Trong khi đó, số lượng tổ viên của các Tổ bảo vệ dân phố chỉ có 3 người nên có lúc chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Mặt khác, đặc thù công việc của lực lượng này chủ yếu là hoạt động ngoài giờ và làm việc nhiều về đêm. Theo quy định thì mỗi tổ viên tổ bảo vệ dân phố chỉ được hưởng mức phụ cấp hàng tháng hệ số 0, 3 của mức lương tối thiểu hiện hành. Do vậy phần nào chưa khuyến khích được tinh thần trách nhiệm và sự nhiệt tình của mỗi tổ viên, thậm chí việc vận động mọi người tham gia lực lượng bảo vệ dân phố cũng rất khó khăn.
Tại kỳ họp thứ tư, HĐND tỉnh khóa XIII đã xem xét và thông qua Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung Điều 1 Nghị quyết số 05/2009/NQ-HĐND ngày 15-7-2009 của HĐND tỉnh về việc quy định tổ chức và mức phụ cấp đối với lực lượng bảo vệ dân phố trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã thể hiện sự quan tâm, đánh giá đúng vai trò của lực lượng bảo vệ dân phố trong tình hình hiện nay. Nghị quyết quy định, mỗi tổ dân phố có 1 Tổ bảo vệ dân phố. Tổ bảo vệ dân phố gồm tổ trưởng và 5 tổ viên. Tổ trưởng Tổ bảo vệ dân phố do Tổ phó Tổ dân phố kiêm nhiệm. Tổ viên Tổ bảo vệ dân phố hưởng mức phụ cấp hàng tháng hệ số là 0, 5 của mức lương tối thiểu hiện hành. Theo tôi, việc tăng số lượng và nâng mức phụ cấp đối với tổ viên Tổ bảo vệ dân phố như vậy là phù hợp với tình hình thực tiễn, góp phần động viên, khuyến khích lực lượng bảo vệ dân phố phát huy được tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Nguyễn Thái Học
(Tổ trưởng Tổ dân phố Khánh Trung, phường Tân Thành, thành phố Ninh Bình)