Từ niềm yêu thích về nghề may mặc và mong muốn được chia sẻ, dạy nghề cho nhiều lao động địa phương, ông Vũ Văn Ba đã cùng gia đình vay mượn thêm tiền của anh em họ hàng đầu tư mua máy may cũ về để dạy nghề cho các cháu thanh niên có nhu cầu ở trong xóm, trong xã.
Lúc đầu chỉ dạy nghề cho những người quen biết, tiếng lành đồn xa về xưởng may của một giáo dân dạy nghề miễn phí đã thu hút nhiều lao động từ các địa phương lân cận. Lao động nào khi đến với tổ hợp đều được ông Ba và các con dạy nghề, hướng dẫn kỹ thuật chu đáo, sau 3 tháng là có thể làm nghề, cho thu nhập.
Những ngày đầu thành lập, xưởng may của ông Ba ký kết hợp đồng làm găng tay bảo hộ lao động cho Công ty Vĩnh Oanh (Nam Định). 20 máy máy cũ được mua lúc đầu khi mới thành lập tổ hợp không đáp ứng được việc làm nghề và nhu cầu của người muốn đến học và làm nghề vì số lượng máy ít lại hay hỏng, trục trặc vì đã cũ.
Khi tổ hợp chuyển sang làm hợp đồng may quần áo, ông Vũ Văn Ba đã quyết định vay vốn để thay thế toàn bộ máy cũ bằng những chiếc máy mới hiện đại. Với diện tích mặt bằng hơn 200 m2, ông dành tất cả diện tích có thể để đặt máy cho công nhân làm. Nhiều lao động được đào tạo nghề miễn phí từ tổ hợp, có nghề thành thạo trong tay đã tìm được việc làm ở các doanh nghiệp may lớn trong Nam, ngoài Bắc.
Số lao động hiện nay làm việc tại tổ hợp hơn 80 người. Với việc làm và thu nhập ổn định, thường xuyên từ 500-700 nghìn đồng/người/tháng, lao động có tay nghề cao đạt trên 1 triệu đồng/tháng nên nhiều gia đình mong muốn có con, em vào làm việc tại tổ hợp.
Tuy nhiên, do nhà xưởng chật hẹp nên mặc dù muốn giúp đỡ lao động trẻ có việc làm nhưng ông Ba "lực bất tòng tâm". Đây cũng là điều ông chủ tổ hợp luôn trăn trở. Ông cho biết: Mong muốn lớn nhất của ông không phải là doanh thu của tổ hợp hàng năm mà thông qua việc thành lập tổ hợp, ông muốn giúp đỡ, đào tạo nghề cho nhiều lao động trẻ tại địa phương và vùng lân cận để họ có thể tìm việc làm ở bất cứ công ty may nào ở trong và ngoài tỉnh.
Hiện nay, trung bình mỗi tháng, xưởng may của ông Vũ Văn Ba xuất đi khoảng 3.000-4.000 bộ quần áo bảo hộ lao động và một số sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng. Với hợp đồng được ký kết ổn định, lâu dài, tổ hợp đã tạo việc làm cho nhiều lao động.
Điều mà ông Ba mong mỏi là được các cấp chính quyền quan tâm hơn nữa để tổ hợp mở rộng quy mô nhà xưởng, đầu tư mua sắm thêm máy móc... để tổ hợp luôn là địa chỉ thu hút những người yêu thích và mong muốn gắn bó lâu dài với nghề may.
Bài, ảnh: Lý Nhân