Sau khi hoàn trả vốn vay, muốn vay tiếp, người vay phải mang giấy CNQSDĐ đến Sở Tài nguyên - Môi trường để xóa thế chấp vay lần trước và chứng nhận để tiếp tục vay lần sau. Nếu vay nhiều lần, DN phải đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do không còn chỗ để ghi chứng nhận. Ngành Ngân hàng có thể xem xét bãi bỏ thủ tục này để tạo điều kiện thuận lợi cho các DN?
Vấn đề nêu trên, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Ninh Bình đã có báo cáo và giải trình như sau: Việc đăng ký thế chấp bằng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để vay vốn ngân hàng, thực hiện theo quy định tại Nghị định số 08/2000/NĐ-CP, ngày 10-3-2000 của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm và quy định tại Thông tư liên tịch số 05/2005/TTLT-BTP-BTNMT, ngày 16-6-2005 của liên Bộ Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, về hướng dẫn đăng ký thế chấp, bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.
Theo quy định tại các văn bản trên, việc đăng ký thế chấp bằng quyền sử dụng đất (thế chấp) và xóa đăng ký thế chấp được thực hiện trên cơ sở có đơn yêu cầu đăng ký thế chấp hoặc đơn yêu cầu xóa đăng ký thế chấp của các bên thế chấp và nhận thế chấp. Tại mục VII, khoản 1, điểm 1.1 Thông tư liên tịch số 05/2005/TTLT-BTP-BTNMT của Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định cơ quan đăng ký thế chấp thực hiện xóa đăng ký thế chấp, trong trường hợp "Nghĩa vụ được bảo đảm bằng thế chấp, bảo lãnh đã được thực hiện". Như vậy, khi bên thế chấp đã thực hiện xong nghĩa vụ trả nợ vay như hợp đồng tín dụng và hợp đồng thế chấp đã ký thì yêu cầu xóa đăng ký thế chấp.
Theo quy định của 2 văn bản trên thì ngành Ngân hàng cũng như các doanh nghiệp đều thuộc đối tượng và phạm vi điều chỉnh của các văn bản này. Như vậy, ngành Ngân hàng không có thẩm quyền điều chỉnh, thay đổi quy định về đăng ký thế chấp và xóa đăng ký thế chấp bằng quyền sử dụng đất.
BNB