Đoàn ĐBQH khóa XII tỉnh Ninh Bình có 6 đại biểu, trong đó 2 đại biểu ở các cơ quan Trung ương, 4 đại biểu tại địa phương; 3 đại biểu hoạt động chuyên trách, 3 đại biểu hoạt động kiêm nhiệm. Nhiệm kỳ qua, các ĐBQH trong Đoàn đã đề cao trách nhiệm trước cử tri, gắn bó với nhân dân, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ theo quy định của pháp luật. Tại mỗi kỳ họp, các đại biểu trong Đoàn đều chủ động chuẩn bị tốt các nội dung, quan tâm phát hiện những vấn đề bức xúc trong cuộc sống, nắm bắt thực tiễn để đề xuất ý kiến, thảo luận ở các phiên họp tổ và tại hội trường.
Trong nhiệm kỳ qua, Đoàn đã tham gia phát biểu gần 150 lượt ý kiến vào nhiều nội dung quan trọng và các dự án Luật. Bên cạnh đó, ngoài "hành lang" Quốc hội, các ĐBQH trong Đoàn còn tích cực gặp gỡ, trao đổi với các vị Bộ trưởng, các thành viên của Chính phủ những vấn đề được nhiều cử tri quan tâm như: vấn đề giao thông nông thôn, chính sách xã hội… Nhiều vấn đề đã được các vị Bộ trưởng tiếp thu, giải thích và chỉ đạo giải quyết kịp thời.
Đối với công tác lập pháp, Đoàn ĐBQH tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm góp phần thể chế hóa kịp thời đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước, từng bước hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, đáp ứng nhu cầu quản lý xã hội. Trong quá trình nghiên cứu, tham gia góp ý kiến vào các dự án Luật, Pháp lệnh, Đoàn đã căn cứ vào đối tượng, phạm vị điều chỉnh, nội dung cụ thể của từng dự án Luật, tổ chức các buổi hội nghị, hội thảo với sự tham gia của các ngành, các cấp, các đoàn thể hữu quan, các chuyên gia, nhà quản lý và đông đảo nhân dân để lấy ý kiến đóng góp vào từng nội dung. ý kiến của các tầng lớp nhân dân được các ĐBQH trong Đoàn tiếp thu và phát biểu tại các phiên họp đóng góp cho trên 50 dự án Luật, nhiều ý kiến có chất lượng được Ban soạn thảo đánh giá cao.
Cùng với hoạt động trên, công tác giám sát, khảo sát chuyên đề cũng được Đoàn thực hiện có kết quả cao với phương thức làm việc dân chủ, cởi mở, tích cực thu thập các nguồn thông tin từ nhiều chiều đảm bảo khách quan, đúng thẩm quyền. Để thực hiện tốt các chương trình giám sát, Đoàn chủ động phối hợp với các cơ quan Quốc hội, Thường trực HĐND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và cơ quan hữu quan ở địa phương để khảo sát, kiểm tra, giám sát. Nội dung giám sát tập trung vào những vấn đề trọng tâm của xã hội, những vấn đề bức xúc được dư luận quan tâm. Tính đến nay, Đoàn đã tiến hành 16 cuộc giám sát, 2 cuộc khảo sát và phối hợp tham gia cùng với Thường trực HĐND và các Ban của HĐND tỉnh tổ chức 21 cuộc khảo sát.
Với vai trò đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, Đoàn ĐBQH tỉnh luôn cố gắng thu thập, xử lý, phản ánh các ý kiến, kiến nghị của nhân dân. Hoạt động tiếp xúc của Đoàn rất đa dạng, từ tiếp xúc trước kỳ họp để lắng nghe ý kiến đóng góp, đối thoại với nhân dân, tạo diễn đàn để cử tri trong tỉnh phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng thông qua các ĐBQH đến các cơ quan Nhà nước; đến các hoạt động tiếp xúc sau kỳ họp để báo cáo, phổ biến, tuyên truyền, động viên nhân dân thực hiện tốt các quyết sách của Quốc hội, chính sách của Nhà nước. Những yêu cầu chính đáng của cử tri và nhân dân trong tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đã được Đoàn tổng hợp gửi đến Quốc hội và các cơ quan hữu quan để xem xét, giải quyết. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đoàn đã tổ chức để tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp tại trên 60 điểm theo đơn vị hành chính ở tất cả 8 huyện, thành phố, thị xã và một số cơ quan, đơn vị trong tỉnh với sự tham gia của gần 7.000 lượt cử tri; tiếp nhận 184 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân và đã chuyển đến cơ quan chức năng xem xét, giải quyết.
Qua hoạt động giám sát, tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, nhiều vấn đề bức xúc ở địa phương được phát hiện, phản ánh, thu thập và chuyển đến các cơ quan có trách nhiệm và đã được các cơ quan nghiên cứu, giải quyết một cách nghiêm túc.
Bên cạnh đó, căn cứ vào điều kiện, tình hình thực tiễn ở địa phương, Đoàn ĐBQH tỉnh còn thực hiện công tác tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, tiêu biểu như: tiếp xúc với cử tri đại diện khối Ngân hàng Thương mại, Ngân hàng Chính sách xã hội và một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, phát huy hiệu quả gói kích cầu của Chính phủ; tiếp xúc với cử tri là công chức đang làm công tác tiếp dân tại các sở, ngành, huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh, trên cơ sở đó đề xuất với Quốc hội sớm ban hành Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các văn bản hướng dẫn nhằm giải quyết đơn thư gửi nhiều cấp, nhiều ngành gây lãng phí thời gian, công sức của người dân và các cơ quan Nhà nước.
Có thể nói, rằng bằng những hoạt động thiết thực của mình trong nhiệm kỳ qua, Đoàn ĐBQH tỉnh đã thể hiện được vai trò là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, là cầu nối thường xuyên giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, đáp ứng yêu cầu đổi mới của Quốc hội; là những kinh nghiệm quý để các ĐBQH khóa XIII trong Đoàn ĐBQH tỉnh thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ người đại biểu nhân dân, xứng đáng với niềm tin của cử tri và nhân dân đã trao gửi.
Quốc Khang