Theo báo cáo của Sở Công thương, giá trị xuất khẩu tháng 1 đạt trên 181,1 triệu USD, tăng 37,6% so với cùng tháng năm trước. Một số mặt hàng xuất khẩu trong tháng tăng khá so với cùng kỳ năm trước như: Túi nhựa 105 tấn, tăng 47,9%; xi măng clanke 1668,1 nghìn tấn, tăng 23,4%; giày dép các loại 2.542 nghìn đôi, tăng 57,4%, camera và linh kiện điện thoại 10 triệu sản phẩm, tăng 3,6%;...
Tuy nhiên, một số sản phẩm xuất khẩu tháng này lại giảm sút như: dứa, dưa chuột đóng hộp 391 tấn, giảm 66,1%; hàng thêu ren 24,1 nghìn chiếc, giảm 38,2%; kính quang học 100 nghìn chiếc, giảm 73,1%..
Có được kết quả trên, ngoài những chính sách hỗ trợ của tỉnh, các doanh nghiệp còn mở rộng sản xuất, tìm kiếm thị trường xuất khẩu. Một số nhà máy sản xuất giầy Athena, Chung Jye, sanico hoạt động ổn định, tạo nguồn hàng quan trọng cho xuất khẩu.
Bên cạnh đó, ngành Công thương cũng chủ động hỗ trợ doanh nghiệp, khảo sát tình hình xuất, nhập khẩu sang thị trường các nước đã ký Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và hướng dẫn các doanh nghiệp hưởng ưu đãi thuế quan từ ngày 15/1/2019.
Đồng thời Sở Công thương đã chú trọng thực hiện công tác xúc tiến thương mại. Trong năm 2018, Sở đã triển khai 16 đề án xúc tiến thương mại với tổng kinh phí gần 1,9 tỷ đồng tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia hội chợ trong nước và quốc tế, hội nghị kết nối cung cầu; xây dựng nhãn hiệu sản phẩm.
Đặc biệt, ngành Công thương phối hợp với các đơn vị liên quan đã tổ chức thành công Hội chợ sản phẩm công, nông nghiệp, du lịch Đồng bằng sông Hồng - Ninh Bình năm 2018 nhân dịp kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt, giúp các doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm của tỉnh, nhất là các sản phẩm có thương hiệu mạnh, đặc sản của tỉnh Ninh Bình.
Từ đầu năm, Sở Công thương đã triển khai Chương trình phát triển Thương mại điện tử địa phương năm 2019; Hướng dẫn các doanh nghiệp cập nhật hồ sơ thương nhân điện tử, đính kèm chứng từ trên giao diện eCosys mới được nâng cấp theo hướng bỏ hoàn toàn chứng từ giấy đối với các doanh nghiệp luồng xanh.
Đối với việc hỗ trợ thủ tục hành chính cho doanh nghiệp xuất khẩu, trong năm 2018, Phòng Quản lý xuất nhập khẩu đã cấp gần 4.000 bộ C/O cho các sản phẩm xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippin, Australia, tạo điều kiện rút ngắn thời gian làm thủ tục xuất nhập khẩu cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và các địa phương lân cận.
Thẩm định hồ sơ và cấp 1 giấy phép hoạt động Văn phòng đại diện cho Công ty Maven FC; tiếp nhận 20 hồ sơ và hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện quy trình nộp hồ sơ xin C/O sang thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc.
Tổ chức 3 hội nghị phổ biến kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế cho gần 300 học viên; xây dựng website thương mại điện tử bằng tiếng Anh cho 2 doanh nghiệp xuất khẩu; hỗ trợ Công ty Giống cây trồng và con nuôi Ninh Bình xây dựng gian hàng trên trang bán hàng toàn cầu Alibaba.com.
Bước sang năm 2019, ngay từ đầu năm phòng Quản lý XNK đã tiếp nhận và cấp 276 bộ Giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ (C/O) tạo điều kiện rút ngắn thời gian làm thủ tục xuất nhập khẩu cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và các địa phương lân cận.
Để đạt được mục tiêu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,45 tỷ USD, ngay từ những tháng đầu năm, tỉnh đã triển khai có hiệu quả các chương trình, kế hoạch phát triển xuất khẩu, phát triển thương mại điện tử, kế hoạch hội nhập kinh tế quốc tế, xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu và uy tín của hàng xuất khẩu, khai thác tốt các thị trường truyền thống và các thị trường mới có nhiều tiềm năng, nhất là đối với mặt hàng xuất khẩu có lợi thế rõ ràng, có giá trị gia tăng và giá trị kim ngạch cao.
Ngành công thương tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu thực thi Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP. Đồng thời, mở rộng thị trường và xây dựng thương hiệu của hàng xuất khẩu. Khai thác tốt các thị trường mới và truyền thống có nhiều tiềm năng.
Nguyễn Thơm