Về Phú Long (Nho Quan) những ngày cuối năm, thời tiết hơi se lạnh, lặng ngắm những ngôi nhà khang trang, những con đường được bê tông sạch, đẹp, bắt gặp những ánh mắt hồ hởi, rạng rỡ của người dân nơi đây, chúng tôi biết mùa xuân đang về trên vùng đất rẻo cao này. Vốn đã nhiều năm gắn bó nên đất và người Phú Long tôi khá hiểu. Tuy nhiên, lần này trở về, tôi không khỏi ngỡ ngàng trước nhiều đổi thay kỳ diệu. Phú Long hôm nay đang thật sự thay da, đổi thịt.
Xuân về trên rẻo cao Phú Long
Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Vũ Thị Ninh - một cô gái trẻ, vui vẻ đón chúng tôi như những người thân. Chị nói: "Các anh về đây lúc nào bà con và chúng em cũng chào đón". Dẫn chúng tôi đi thăm bản làng, chị tâm sự: "Bây giờ từ trung tâm xã đến các bản làng đã nhanh hơn trước rất nhiều, chứ trước kia, cán bộ xã xuống các thôn, bản phải đi mất cả ngày đường. Nếu như cách đây 7-8 năm, chuyện tìm một quán bán ăn sáng ở Phú Long được cho là hiếm thì nay khu trung tâm xã và dọc các tuyến đường chính đã có nhiều hàng quán, dịch vụ từ ăn uống, vui chơi giải trí đến các cửa hàng vật liệu xây dựng, thức ăn gia súc, gia cầm... đáp ứng nhu cầu của người dân. Có được thành quả này là do thực hiện các chương trình, dự án của Nhà nước, của địa phương cộng với sự nỗ lực của người dân đã giúp vùng cao Phú Long tiến gần hơn với miền xuôi. Giờ bà con ở thôn, bản xa cũng chỉ mất hơn 30 phút là xuống phố Rịa, hay thị trấn Nho Quan. Nói rồi chị Ninh cười tươi, câu chuyện của chúng tôi cũng trở nên rôm rả hơn.
Là xã miền núi vùng cao, Phú Long có đông đồng bào Mường sinh sống, sản xuất nông nghiệp ở đây phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên, trong khi đó trình độ canh tác lại không đồng đều, lạc hậu, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Các hủ tục trong việc cưới, việc tang làm cho đời sống của người dân đã khó lại càng khó hơn. Câu chuyện về bước chuyển lớn trong tư duy của đồng bào vùng cao được đồng chí Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Phú Long dẫn chứng: Trước đây giáo dục ở Phú Long luôn bị xếp vào tốp cuối của huyện. Người dân tộc Mường nơi đây chưa quan tâm đến sự học của con em mình. Cũng đúng thôi. Khi ấy, cơ sở vật chất còn nghèo nàn, đời sống khó khăn, tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng nhiều.
Đứng trước thực trạng đó, Đảng bộ xã xác định tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đầu tư cho giáo dục, chỉ có phát triển giáo dục mới giải quyết căn bản vấn đề xóa đói, giảm nghèo. Nhiều năm qua, Phú Long đã tranh thủ sự ủng hộ của huyện, tỉnh, huy động nguồn lực trong dân để ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học. Đến nay cả 3 cấp học của xã đều đạt chuẩn Quốc gia. Đáng nói là bây giờ đồng bào Mường ở Phú Long đã cho con học đại học. Nhiều người dân tộc Mường Phú Long giờ đã là kỹ sư, bác sỹ, thạc sỹ, điều mà mấy mươi năm trước không ai dám nghĩ tới.
Văn hóa được nâng cao, kinh tế của xã cũng có chuyển biến rõ nét. Đảng ủy xã đã xây dựng nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng các ngành nghề, dịch vụ, lấy phát triển nông nghiệp làm trọng tâm, tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh của kinh tế đồi rừng, phát triển cây, con có giá trị kinh tế cao, theo hướng sản xuất hàng hóa. Người Phú Long nhạy bén với cái mới, tích cực ứng dụng tiến bộ KHKT và thay đổi tư duy sản xuất; phát huy lợi thế từng vùng đất để đưa các loại cây có giá trị cao vào gieo trồng. Sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hóa, giá trị sản xuất nông nghiệp mỗi năm ước đạt trên 139 tỷ đồng. Cơ cấu cây trồng, con nuôi chuyển đổi theo hướng tích cực. Diện tích gieo trồng ổn định với hơn 708 ha, trong đó cây lương thực trên 187 ha; tổng sản lượng lương thực cây có hạt đạt hơn 7.500 tấn; giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác đạt gần 90 triệu đồng/năm.
Sản phẩm na trái vụ của người dân Phú Long. Ảnh: Hoàng Hiệp
Kinh tế trang trại, gia trại phát triển. Hiện nay, toàn xã có 3 trang trại, 64 gia trại. Nhiều điển hình tiên tiến về kinh tế trang trại, gia trại kết hợp trồng cây ăn quả cho thu nhập cao. Điển hình như: Mô hình trồng Thanh Long ruột đỏ, ổi, bưởi Diễn, nuôi lợn rừng của hộ ông Nguyễn Văn Kỷ ở thôn 10; trang trại của gia đình ông Thiệu Quang Hải ở thôn 3. Nhiều hộ còn mạnh dạn trồng cây cho sản phẩm trái vụ, giá trị kinh tế cao như trồng na trái vụ. Tổng giá trị thu về từ trang trại hàng năm ước đạt hơn 10 tỷ đồng/năm. Chăn nuôi tiếp tục phát triển mạnh, Phú Long hiện có đàn lợn hơn 6.000 con, đàn trâu, bò 1.500 con, gia cầm 42.000 con. Các mô hình cải tạo đàn bò, nạc hóa đàn lợn ngày càng được nhân rộng; các mô hình chăn nuôi có giá trị kinh tế cao như nuôi lợn rừng, ong, hươu, dê được mở rộng; giá trị thu nhập từ chăn nuôi mỗi năm đạt gần 30 tỷ đồng.
Cùng với sản xuất nông nghiệp, Phú Long khuyến khích nhân dân tập trung vốn đầu tư mở rộng các loại hình sản xuất, kinh doanh thương mại dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp. Đến nay, toàn xã có gần 100 cơ sở dịch vụ hàng tiêu dùng, ăn uống; 18 máy cày bừa, 60 phương tiện vận tải, nhiều hộ sở hữu từ 2 đến 3 phương tiện vận tải, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ năm. Giá trị thu về từ tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ đạt gần 96 tỷ đồng/năm. Thành tựu đạt được của Phú Long hôm nay chính là bài học về vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng vào điều kiện thực tiễn của địa phương. Một mùa xuân mới đang về, trên khắp các nẻo đường, thôn xóm ngập tràn cờ hoa. Niềm vui, phấn khởi luôn hiện hữu trên từng khuôn mặt của mỗi người dân với đầy ắp hy vọng về năm mới đủ đầy, sung túc, hạnh phúc.