Hơn 50 hộ dân ngoài đê hữu ngạn sông Hoàng Long thuộc thôn Kiến Phong (xã Gia Tường) bao đời nay đều sống chung với lũ. Vậy mà trong trận lũ lịch sử vừa qua, các hộ dân vẫn chưa hết ngỡ ngàng bởi cơn thịnh nộ của trời đất, 100% hộ dân đều bị lụt trong nước, ruộng đồng, làng quê xơ xác. Lũ rút, cũng như nhiều vùng rốn lũ khác, người dân nơi đây cầm hơi bằng những thùng mỳ tôm, lương khô, chai nước lọc, những bộ quần áo, chăn màn… từ những nhà hảo tâm, các tổ chức, cá nhân khắp mọi miền đất nước.
Những ngày cận tết, người dân Gia Tường vẫn hăng hái xuống đồng chăm sóc lúa. Cũng như ở xã Gia Tường, hàng trăm hộ dân ở các thôn ngoài đê của xã Đức Long như: Thần Lũy, Sơn Lũy, Ngọc Cao, Phú Cường, Phú Thịnh đang nô nức đón xuân về. Bà con tranh thủ xuống chợ mua sắm thêm cành đào phai, cây quất, lương thực, thực phẩm, trang trí nhà cửa chuẩn bị cho một cái Tết đầy đủ, ấm no.
Ông Đinh Quang Hòe, Chủ tịch UBND xã Đức Long cho chúng tôi biết: Đợt mưa lũ vừa qua đã gây ra nhiều thiệt hại cho nhân dân trong xã với 950 hộ vùng ngoài đê bị ngập nước, còn khoảng hơn 7 ha lúa mùa chưa kịp gặt, 45,4 ha lúa- cá bị mất trắng, đường sá, cầu cống cùng các công trình phúc lợi, nhà văn hóa bị ngập trong nước. Tình cảnh bà con hết sức khó khăn, lượng thực, thực phẩm chưa kịp dự trữ, thiếu thốn nguyên liệu đun nấu, mất điện, không có nước sinh hoạt…
Những ngày sau lũ, đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương đã bắt tay khắc phục hậu quả lũ lụt, ổn định cuộc sống. Toàn bộ số hàng cứu trợ của cấp trên, các tổ chức, cá nhân ước tính trị giá hơn 2 tỷ đồng đã được chuyển đến tay bà con đảm bảo công khai, công bằng. UBND xã đã thông báo cho bà con nhân dân chuẩn bị giống vốn, vật tư nông nghiệp để chuẩn bị cho vụ sản xuất đông xuân năm 2017-2018. Đến thời điểm này, xã đã chỉ đạo nhân dân cấy hết diện tích, trong đó có 10 ha lúa xuân sớm ngoài đê để tránh lũ tiểu mãn, đồng thời chủ động trong công tác tưới tiêu để bà con yên tâm sản xuất. Trong dịp Tết này, cấp ủy, chính quyền địa phương cũng đã rà soát trích kinh phí hỗ trợ cho các hộ đặc biệt khó khăn, hộ nghèo, hộ chính sách để các gia đình đón một cái tết đầm ấm, vui vẻ.
Thuộc vùng phân lũ, chậm lũ của huyện Nho Quan, các xã ngoài đê sông Hoàng Long như: Đức Long, Gia Tường, Lạc Vân, Gia Sơn, Gia Lâm, Gia Thủy… thường xuyên bị ngập úng vào mùa nước lớn, thiên tai ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống nhân dân cũng như phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Xác định khó khăn đó, cấp ủy đảng, chính quyền các xã đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ để tăng thu nhập trên một diện tích đất canh tác. Bên cạnh đó, tranh thủ các nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM. Với sự nỗ lực phấn đấu của đảng bộ và nhân dân, đến nay, các xã Xích Thổ, Lạc Vân, Gia Tường, Đức Long… đã về đích nông thôn mới. Giờ đây, đường làng, ngõ xóm khắp nơi đã được cứng hóa, bê tông hóa phẳng phiu. Đáng phấn khởi hơn là đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được quan tâm và nâng cao. Chỉ tay về phía con đường bê tông phía trước, ông Đỗ Mạnh Phả, Bí thư chi bộ thôn Kiến Phong, xã Gia Tường chia sẻ: Ngày trước, con đường này còn là đường đất, những ngày mưa, bùn lầy dính đầy bánh xe khiến người dân đi lại chật vật. Hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, đường làng đã được đổ bê tông đẹp đẽ, các cháu đi học không lo trời mưa trơn trượt, bùn đất bắn bẩn quần áo, xe cộ chạy bon bon. Qua những công trình "ý đảng, lòng dân", tình làng nghĩa xóm được thắt chặt, niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của đảng được nâng lên.
Một mùa xuân mới lại đến với nhân dân vùng lũ, nhà nhà đang nô nức quây quần bên nồi bánh chưng xanh, sắc xuân đang lan tràn trên từng ngọn cỏ, cành cây, từng ngôi nhà còn thơm mùi sơn mới. Gác lại những bộn bề lo toan của cuộc sống thường nhật, người dân vùng lũ đang hòa cùng niềm vui của quê hương, dân tộc mỗi khi tết đến, xuân về.
Khải Hoàn