Địa bàn huyện Kim Sơn có đặc điểm đất nông nghiệp khá phì nhiêu, màu mỡ do được bồi đắp phù sa từ 2 con sông lớn. Bởi vậy, sản xuất nông nghiệp của huyện luôn dẫn đầu toàn tỉnh về năng suất và sản lượng lúa với 2 vụ lúa chính là vụ đông xuân và vụ mùa.
Tuy nhiên, đối với một xã có vị trí địa lý không thuận lợi như Xuân Thiện do nằm ở cực đông của huyện Kim Sơn nên ngoài làm nông nghiệp, việc phát triển các ngành nghề khác gặp nhiều khó khăn. Điều đó dẫn đến hệ quả là kinh tế địa phương kém phát triển, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, chỉ biết trông chờ vào cây lúa.
Chính vì vậy, xã xác định việc nâng cao giá trị kinh tế canh tác trên đất nông nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn hiện nay.
Đồng chí Đinh Tư Hòa, Chủ tịch UBND xã Xuân Thiện cho biết: Người dân nơi đây đã gieo trồng cây trạch tả từ lâu. Tuy nhiên chỉ mang tính tự phát ở một số hộ nhỏ lẻ, diện tích không ổn định.
Nhận thấy tiềm năng phát triển giống cây trồng này, xã đã chỉ đạo HTX nông nghiệp Xuân Thiện cử cán bộ tìm hiểu, nghiên cứu các đặc tính của cây trồng, điều kiện thổ nhưỡng của địa phương cũng như giá trị kinh tế và nhu cầu tiêu thụ sản phẩm chế biến từ trạch tả.
Qua đó được biết, trạch tả là một cây dược liệu quý. Củ trạch tả sau khi thu hoạch có thể sấy khô, được thương lái tìm kiếm thu mua với số lượng lớn.
Hơn thế, trạch tả sinh trưởng và phát triển tốt trên đất 2 lúa, tận dụng được diện tích đất nông nghiệp để trống giữa vụ mùa và vụ đông xuân tiếp theo. Vì vậy, xã quyết định nhân rộng diện tích cây trạch tả, hình thành vùng quy hoạch trồng cây trạch tả với diện tích 30ha.
Ông Vũ Văn Khởi ở xóm 2, Xuân Thiện cho biết: Gia đình tôi trồng 1,6 mẫu trạch tả, năm nay trạch tả sinh trưởng và phát triển tốt, lái buôn thu mua với giá cao, lượng thu mua lớn. Mọi năm, các lái buôn chỉ thu mua củ trạch tả đã sấy khô nhưng năm nay, họ thu mua cả củ tươi.
Giá củ tươi là 10 nghìn đồng/kg, giá củ khô dao động từ 38 đến 40 nghìn đồng/kg. Sau khi trừ chí phí, lợi nhuận gia đình thu về là khoảng 35 triệu đồng. Ông Khởi chia sẻ thêm: Trồng và chăm sóc cây trạch tả không khó, khá tương tự việc trồng lúa.
Khoảng tháng 8 hàng năm, cây trạch tả được gieo ươm như mạ nền. Đến khi thu hoạch xong lúa vụ mùa, ruộng được cày lật đất, bón lót rồi bừa lại.
Khoảng 3 ngày sau đó, khi phân bón được hòa tan tạo dinh dưỡng cho đất là bắt đầu đem cây trạch tả non ra cấy, đó là khoảng tháng 10. Cây có tán lá dày nên khoảng cách cấy phải thưa, mỗi cây phải cách nhau ít nhất 50cm. Trong chăm sóc, trạch tả ít gặp sâu bệnh nên việc quan trọng nhất là điều tiết nước.
Trạch tả là cây ưa nước nên phải chú ý thường xuyên bơm nước vào ruộng cấy để giữ đủ độ ẩm cho cây. Sau khi thu hoạch lấy củ, có thể đem sấy khô để bán lấy giá cao hơn bán củ tươi. Công đoạn sấy khô cũng khá đơn giản. Với lợi nhuận sau khi trừ chi phí khoảng 2 triệu đồng/sào, 1 sào trạch tả cho giá trị kinh tế cao từ 2 - 2,5 lần so với 1 sào cấy lúa Bắc Thơm 7.
Tuy vậy, bên cạnh đó vẫn còn nhiều nỗi lo âu của người dân xung quanh vấn đề phát triển cây trạch tả. Ông Lại Văn Hải, Giám đốc HTX nông nghiệp Xuân Thiện cho biết: Tuy đã hình thành vùng quy hoạch trồng cây trạch tả, song diện tích 30ha chưa được người dân gieo trồng kín. Năm 2014, diện tích trồng trạch tả tại Xuân Thiện là hơn 20ha.
Nhưng vào năm đó, trạch tả không được giá, người dân nản chí không trồng nữa khiến diện tích trồng trạch tả các vụ sau giảm mạnh. Vụ trồng năm nay chỉ còn gần 10ha.
Có thể thấy, vấn đề "được mùa, mất giá" không phải là vấn đề mới, song lại luôn là nỗi lo canh cánh trong tiềm thức của người nông dân.
Để góp phần phát triển kinh tế cho địa phương cũng như nâng cao thu nhập cho người dân, rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành quan tâm giúp đỡ để Xuân Thiện mở rộng diện tích trồng trạch tả - một mô hình cho thu lãi gần 50 triệu đồng/ha. Đó là mong muốn của ông Giám đốc HTX nông nghiệp cũng như của nhiều nông dân xã Xuân Thiện.
Bởi vì, nếu ổn định được đầu ra cho cây trạch tả, chắc chắn diện tích trồng trạch tả sẽ được mở rộng gấp nhiều lần hơn nữa. Đây là động lực để phát triển kinh tế của địa phương cũng như góp phần quan trọng vào việc nâng cao thu nhập cho người dân.
Thái Học