Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, ghi nhận đến hết ngày 12/7, toàn tỉnh có 24 ca bệnh, với 4 ổ dịch. Trong đó, 5 ca bệnh nội tỉnh, còn lại 19 ca bệnh xâm nhập (từ thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Khánh Hòa, Đồng Nai...). Độ tuổi mắc SXH từ 2-67 tuổi, trong đó có 4 trẻ em dưới 15 tuổi. Trong số đó, địa phương nhiều nhất là huyện Hoa Lư, với 8 ca bệnh, tiếp đến là huyện Kim Sơn và Yên Mô, mỗi địa phương có 4 ca mắc, các huyện còn lại từ 1-3 ca bệnh. Riêng huyện Nho Quan hiện chưa xuất hiện ca bệnh mắc SXH.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: SXH là một trong những bệnh do muỗi truyền có tốc độ lây lan khá nhanh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Bất cứ ai cũng có thể mắc SXH. Đặc biệt, SXH ở người lớn gây nhiều biến chứng nặng nề nên không được coi thường. Do đó, nếu bị SXH, cần phải đưa đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời, nhanh chóng. Thời gian qua, 24 ca bệnh được ghi nhận trên địa bàn tỉnh đều được điều trị tại cơ sở y tế. Trong đó, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh là 19 ca, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh là 4 ca và Trung tâm Y tế thành phố Tam Điệp là 1 ca.
Nguyên nhân dịch SXH tăng cao trong năm nay, đặc biệt là thời gian gần đây là do dịch SXH có tính chất chu kỳ. Nhất là thời điểm mùa hè thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều, tạo điều kiện thuận lợi cho lăng quăng, bọ gậy phát triển. Bên cạnh đó là do dịch bệnh COVID-19 đã cơ bản được khống chế, sự giao lưu đi lại của người dân thời gian qua tăng cao, trong khi ý thức và hành vi vệ sinh phòng bệnh của người dân chưa tốt, còn chủ quan, lơ là, không chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo...
Để kịp thời xử lý các ổ dịch SXH trên địa bàn tỉnh, làm giảm thiểu số ca mắc, đặc biệt không để bùng phát thành ổ dịch lớn, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã chủ động cử cán bộ bám sát cơ sở, nơi các ổ dịch đang hoạt động, các ổ dịch cũ để điều tra, giám sát vectơ truyền bệnh, xử lý triệt để các ổ dịch, không để dịch bùng phát trong cộng đồng. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Y tế các huyện, thành phố, các trạm y tế xã, phường, thị trấn trong công tác giám sát, quản lý, điều tra dịch bệnh SXH nói riêng, các bệnh truyền nhiễm nói chung.
Cùng với đó, lực lượng Y tế dự phòng đã phối hợp chặt chẽ với các cơ sở y tế, cơ sở điều trị trong công tác giám sát ca bệnh, lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm nhằm chẩn đoán xác định ca bệnh nghi ngờ đầu tiên để có hướng xử trí kịp thời. Đặc biệt, phối hợp với chính quyền các xã, phường, thị trấn triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng, bọ gậy, chủ động phòng chống dịch SXH tại các địa bàn có nguy cơ cao và các ổ dịch cũ.
Để khống chế thành công dịch bệnh, không để dịch lớn xảy ra trên địa bàn, hạn chế số ca mắc, không để bệnh nhân tử vong do SXH, UBND tỉnh đã có các văn bản chỉ đạo ngành Y tế và các cơ quan, đơn vị liên quan nhằm chủ động các biện pháp phòng chống, phát hiện sớm các trường hợp mắc, không để dịch lây lan ra diện rộng. Yêu cầu tất cả các trường hợp mắc SXH cần được phát hiện, chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời. Không để xảy ra tử vong do SXH trên địa bàn.
Yêu cầu 100% các huyện, thành phố tiếp tục tổ chức tốt các hoạt động vệ sinh môi trường, diệt véc tơ truyền bệnh, phòng chống dịch bệnh SXH tại tuyến huyện. Khoanh vùng và xử lí triệt để 100% ổ dịch bằng việc tổ chức thực hiện phun hóa chất diệt muỗi, diệt bọ gậy tại tất cả các ổ dịch, các khu vực có nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh SXH...
Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức tốt việc thu dung, điều trị bệnh nhân, chuyển tuyến kịp thời các trường hợp bệnh nặng. Đảm bảo đủ nhu cầu về thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị phòng hộ cá nhân..., nhằm triển khai các hoạt động phòng chống dịch chủ động, đạt hiệu quả. Đồng thời kiện toàn và duy trì các đội cơ động phòng chống dịch, sẵn sàng các phương án, phương tiện thực hiện nhiệm vụ khi xảy ra các tình huống phát sinh…
Bài, ảnh: Hạnh Chi