Công an tỉnh đã mở đợt tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề chở hàng quá tải trọng, quá khổ giới hạn, tự ý cải tạo phương tiện trên đường bộ. Tuy nhiên, thực tiễn quá trình thực thi nhiệm vụ còn gặp phải khó khăn, cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp ủy, chính quyền, các ngành chức năng.
Có mặt tại trạm kiểm soát tải trọng phương tiện của Trạm Cảnh sát giao thông Tam Điệp (Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh) trên Quốc lộ 12B, đoạn qua thành phố Tam Điệp, chúng tôi nhận thấy, lượng xe tải chở vật liệu xây dựng qua tuyến đường này khá nhiều, các phương tiện đi với tốc độ rất nhanh, kèm theo khói bụi mịt mù. Không quản thời tiết nắng nóng những ngày đầu hè, lực lượng cảnh sát giao thông đã lập chốt kiểm soát, xử lý xe chở quá tải trên tuyến đường này.
Đại diện lãnh đạo Trạm Cảnh sát giao thông Tam Điệp cho biết: Việc tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm chở hàng quá tải trọng, quá khổ giới hạn, tự ý cải tạo phương tiện trên đường bộ là công việc thường xuyên của Trạm. Trong những tháng đầu năm, các phương tiện xe tải tập trung chở vật liệu để phục vụ xây dựng các công trình giao thông trọng điểm nên lượng phương tiện vận tải lưu thông tăng cao. Trạm đã tăng cường lực lượng kiểm tra, xử lý nghiêm các phương tiện chở hàng quá tải.
Đặc biệt, từ ngày 15/3, Trạm đã bố trí lực lượng tuần tra, kiểm soát tải trọng phương tiện trên đường bộ tất cả các tuyến đường được giao phụ trách. Riêng tuyến Quốc lộ 1 được tuần tra, kiểm soát khép kín 24/24h; một số tuyến đường như Quốc lộ 12B được kiểm tra theo các khung giờ cao điểm.
Quốc lộ 12B là tuyến đường dẫn vào một số mỏ đá, do vậy lượng phương tiện chở vật liệu qua lại nhiều. Phòng đã rà soát, xác định thời gian cao điểm để bố trí lực lượng tuần tra, kiểm soát tải trọng phương tiện đạt hiệu quả cao nhất. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, hầu hết các phương tiện xe tải được yêu cầu kiểm tra trên tuyến Quốc lộ 12B, trước khi xuống xe làm việc với lực lượng cảnh sát giao thông đều cầm điện thoại gọi đi, phải mất một khoảng thời gian sau đó mới xuống xe làm việc với lực lượng chức năng.
Khi làm việc, các lái xe đều nói không có giấy tờ gì mang theo, kể cả giấy phép lái xe. Sau một thời gian thuyết phục, nhắc nhở của lực lượng Cảnh sát giao thông, họ mới miễn cưỡng lên xe tiếp tục gọi điện cho ai đó rồi lấy giấy tờ xuống hợp tác kiểm tra, một số lái xe không có đủ các loại giấy tờ theo quy định.
Một lái xe cho biết: "Chủ doanh nghiệp luôn cầm hết các loại giấy tờ, chúng tôi không được giữ, chỉ chở thuê". Trao đổi vấn đề này với tổ công tác cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ, chúng tôi được biết đây là chuyện thường xuyên xảy ra; trước khi xuống xe kiểm tra, các lái xe đều gọi cho chủ doanh nghiệp báo cáo, kể cả khi xe không chở hàng gì; được sự cho phép của chủ doanh nghiệp, lái xe mới xuất trình giấy tờ, còn không thì sẽ cố tình kéo dài thời gian, không hợp tác.
Đây là một trong những khó khăn của lực lượng chức năng. Xác định kiểm soát tải trọng phương tiện là nhiệm vụ trọng tâm, có vai trò quan trọng trong bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn, Giám đốc Công an tỉnh đã có văn bản chỉ đạo ra quân tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề chở hàng quá tải trọng, quá khổ giới hạn, tự ý cải tạo phương tiện trên đường bộ, thực hiện từ ngày 1/3 - 31/12/2022.
Theo đó, tập trung tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường Quốc lộ 1A, Quốc lộ 10, Quốc lộ 12B, đường ĐT.477, các tuyến đê và các tuyến đường thường xuyên có xe chở quá tải hoạt động; khu vực kho bãi, bến cảng, nhà ga, mỏ vật liệu, trạm trộn bê tông, nơi xếp hàng hóa lên ô tô.
Thượng tá Đỗ Văn Bình, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh cho biết: Theo kế hoạch, từ ngày 1/3 - 15/3, Phòng đã phối hợp tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và gửi thông báo đến các doanh nghiệp việc ra quân xử lý phương tiện quá khổ, quá tải. Yêu cầu chủ doanh nghiệp, lái xe ký cam kết không vi phạm quá tải trọng đường bộ và tự ý cải tạo kích thước phương tiện.
Trong đợt cao điểm này, Phòng đã trang bị đầy đủ phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ, các trang thiết bị cần thiết và huy động tất cả lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh duy trì kiểm tra tải trọng xe trên tất cả các tuyến đường với 9 bộ cân lưu động, 1 trạm cân cố định. Tiến hành kiểm soát và xử lý vi phạm trên tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Để kiểm tra tải trọng hiệu quả, lực lượng cảnh sát giao thông sử dụng tất cả các biện pháp, xác định vị trí các phương tiện thường tập trung chở quá tải, các kho bãi, mỏ, nhà máy sản xuất, tổ chức tiến hành xác định khung thời gian hoạt động của phương tiện và tập trung xử lý.
Thượng tá Đỗ Văn Bình cho biết: Từ ngày 15/3-4/4, Phòng đã xử lý 108 trường hợp phương tiện quá tải, 22 trường hợp quá khổ giới hạn, 12 trường hợp tự ý thay đổi kích cỡ phương tiện. Phạt gần 1,1 tỷ đồng; tước 52 giấy phép lái xe. Vì lợi nhuận, một số chủ xe, lái xe cố tình chống đối, kéo dài thời gian kiểm tra, xử lý của lực lượng chức năng nên Phòng Cảnh sát giao thông đã phối hợp với các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh xử lý và sẽ xử lý điểm để cảnh tỉnh cho những đối tượng khác có ý định chống đối.
Đối với việc trốn tránh kiểm soát, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Phòng sẽ xác định khung thời gian và xây dựng kế hoạch, bố trí lực lượng phù hợp để tập trung xử lý, đảm bảo không có lộ lọt, không có cơ hội cho chủ xe, chủ doanh nghiệp, lái xe lách luật, lách giờ.
Cùng với đó, Công an tỉnh cũng tăng cường nắm tình hình, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp tiêu cực, tham nhũng, nhận hối lộ liên quan đến hoạt động vận tải trên đường bộ. Bố trí lực lượng tiến hành rà soát, phát hiện các băng, ổ nhóm tội phạm, các đối tượng có hành vi bảo kê, môi giới, dẫn dắt lái xe trốn tránh trạm kiểm soát tải trọng, tiếp tay cho phương tiện vi phạm chở quá khổ, quá tải trên tuyến giao thông để đấu tranh, xử lý.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, hiện nay tình trạng xe quá tải trên các tuyến đường đã giảm, hầu hết các phương tiện chở hàng đều được che phủ bạt, không để rơi vãi vật liệu trên đường.
Tuy nhiên, theo Thượng tá Đỗ Văn Bình, việc kiểm soát tải trọng trên các tuyến đường hay tại các điểm xuất phát, tập kết vật liệu mới chỉ giải quyết được phần "ngọn". Để thực hiện triệt để "gốc rễ" của tình trạng xe chở quá tải, từ hệ thống chính quyền, các cơ quan chức năng phải cùng vào cuộc và phải có giải pháp mạnh tay hơn như có thể đình chỉ giấy phép hoạt động nếu các nhà máy, mỏ, doanh nghiệp cố tình để phương tiện chở vật liệu chạy quá trọng tải.
Cùng với đó, chúng tôi cũng kiến nghị Sở Giao thông-Vận tải chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông tổ chức kiểm soát chặt chẽ tải trọng ngay từ đầu nguồn hàng, các điểm tập kết, nơi xếp hàng hóa lên xe ô tô; không kiểm định cho các phương tiện tự ý cải tạo phương tiện, thay đổi kích thước thùng xe; không cấp phù hiệu vận tải cho các phương tiện thường xuyên có hành vi vi phạm...
Bài, ảnh: Kiều Ân