Khi sử dụng xung điện, các loài cá, tôm, thủy sinh trong bán kính 2m đều bị tiêu diệt, trong đó có toàn bộ cá con, trứng cá, các sinh vật phù du, làm cho nguồn lợi thủy sản không thể tái tạo dẫn đến sụt giảm nhanh chóng, ảnh hưởng đến đa dạng sinh học, thậm chí còn gây biến dị, đột biến cho các loài thủy sản, trực tiếp làm thay đổi các yếu tố môi trường nước và gây nguy hiểm cho những người sử dụng loại công cụ này.
Trước thực tế việc đánh bắt thủy sản bằng xung điện, kích điện gia tăng, từ năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 103/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong hoạt động thủy sản. Theo đó, phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng công cụ kích điện và từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng điện lưới để khai thác thủy sản.
Còn theo Khoản 1 Điều 188 Bộ luật Hình sự quy định về tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản, hành vi sử dụng dòng điện để đánh bắt thủy sản mà gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Như vậy, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên đến các tầng lớp nhân dân. Các cấp và lực lượng chức năng tăng cường biện pháp xử lý nghiêm hình thức đánh bắt thủy sản bằng xung điện để răn đe, các cấp, các ngành quan tâm. Có như vậy, môi trường nước tự nhiên mới được bảo vệ, nguồn lợi thủy sản mới được bảo tồn và khai thác hiệu quả.
Trần Dũng