Ngày nay, điện thoại di động đã trở thành vật dụng phổ biến đối với mọi lứa tuổi. Ngoài chức năng thực hiện nghe - gọi, điện thoại di động còn được tích hợp thêm các chức năng: nhắn tin, nghe nhạc, chụp ảnh, duyệt Web… Không khó bắt gặp trên các tuyến đường của thành phố Ninh Bình, thành phố Tam Điệp cảnh học sinh, sinh viên, người dân đang lưu thông trên đường vẫn vô tư nghe điện thoại, nhắn tin, lướt mạng.
Việc sử dụng điện thoại khi đang điều khiển phương tiện tham gia giao thông tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông là rất cao cho người lái xe và người tham gia giao thông. Đối với người đang tham gia giao thông, việc một tay lái xe, một tay sử dụng điện thoại sẽ khiến người tham gia giao thông mất tập trung điều khiển, khi gặp những tình huống bất ngờ không thể phản ứng kịp... Thực tế đã có nhiều trường hợp do mải nghe điện thoại đã xảy ra va chạm với các phương tiện giao thông khác. Mặc dù thời gian qua, các cơ quan chức năng và các địa phương đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật đối với người sử dụng điện thoại di động khi đang tham gia giao thông nhưng tình trạng này vẫn diễn ra thường xuyên, phổ biến.
Theo Điều 6, khoản 1, điểm h của Nghị định số 171/2013/NĐ-CP, phạt tiền từ 60 nghìn đến 80 nghìn đồng đối với người đang điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe đạp điện), các loại xe tương tự xe mô tô và xe gắn máy có hành vi sử dụng điện thoại di động. Liệu có phải do hình thức xử phạt còn quá nhẹ nên nhiều người dân tham gia giao thông không nghiêm chỉnh chấp hành?
Để hạn chế những nguy cơ tai nạn có thể xảy ra do sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông, đề nghị các ngành chức năng cần tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân về mức độ nguy hiểm của việc sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông. Lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông.
Kiều Ân