Trước thực tế trên, tại kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh khóa XIV, đại biểu HĐND tỉnh đã chất vấn Giám đốc Công an tỉnh về nguyên nhân và giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Trả lời chất vấn của đại biểu, Đại tá Phạm Văn Sơn, TVTU, Giám đốc Công an tỉnh cho biết: Thời gian qua, để hạn chế tình trạng xe quá khổ, quá tải vi phạm luật ATGT, Công an tỉnh đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông phối hợp chặt chẽ với ngành Giao thông vận tải tăng cường công tác kiểm soát tải trọng đối với phương tiện.
Theo đó, lực lượng chức năng đã tập trung kiểm soát tại các tuyến, địa bàn trọng điểm, phức tạp về TTATGT và có nhiều phương tiện vận tải đi qua như Quốc lộ 1A, Quốc lộ 12B, đường vào các khu mỏ, bến bãi... Từ ngày 15/12/2018 đến 14/11/2019, lực lượng Công an đã bố trí 467.617 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia tuần tra, kiểm soát và đã phát hiện 7.116 trường hợp xe ô tô tải vi phạm, phạt tiền trên 20 tỷ đồng, tạm giữ 275 phương tiện, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 3.654 trường hợp.
Tại một số tuyến đường có xe chở hàng vượt quá tải trọng, chở đất đá, vật liệu xây dựng không che phủ bạt hoặc che phủ nhưng không đảm bảo, để đất đá, vật liệu rơi vãi trên đường, gây bụi bẩn khiến người dân bức xúc; một số nơi người dân đã chặn đường không cho xe chạy, Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo lực lượng Công an huyện, thành phố triển khai các biện pháp bảo đảm ANTT, phòng ngừa xung đột giữa người dân và lái xe có phương tiện vi phạm.
Đồng thời, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cơ sở tổ chức hội nghị để người dân đối thoại với doanh nghiệp vận tải thống nhất cam kết có biện pháp giữ vệ sinh môi trường và hỗ trợ kinh phí cho người dân triển khai các biện pháp tình thế như quét dọn, phun nước giảm thiểu ô nhiễm.
Do thực hiện quyết liệt các biện pháp tuyên truyền, ký cam kết và tập trung kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nên tình trạng vi phạm về tải trọng trên địa bàn tỉnh đã được kiềm chế, các doanh nghiệp, chủ xe, lái xe vận tải cơ bản chấp hành quy định của pháp luật, nhất là các quy định về hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Tuy nhiên, vẫn còn một số chủ xe, lái xe cố tình vi phạm nhưng chủ yếu hoạt động lén lút vào ban đêm.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do ý thức chấp hành pháp luật ATGT, nhất là các quy định về vận tải hàng hóa bằng xe ô tô của một số doanh nghiệp vận tải, chủ hàng, chủ xe, lái xe còn hạn chế, chạy theo lợi nhuận, khoán khối lượng vận chuyển cho lái xe dẫn đến vi phạm; tự ý cải tạo, cơi nới thùng xe; nhiều trường hợp còn tìm mọi cách để đối phó với lực lượng chức năng, không chấp hành việc dừng xe kiểm soát, không công nhận kết quả cân, không ký biên bản, thậm chí đóng cửa xe bỏ đi gây khó khăn cho việc kiểm tra, xử lý vi phạm.
Các cơ quan quản lý kho, cảng, bến bãi chưa thực sự vào cuộc mạnh mẽ, chưa quản lý tốt việc xếp hàng hóa trên xe ô tô, vì vậy vi phạm chưa được xử lý tại nơi xuất phát. Trong khi đó, lực lượng CSGT phải thực hiện nhiều nhiệm vụ công tác thường xuyên, đột xuất và xử lý nhiều chuyên đề như vi phạm tốc độ, nồng độ cồn; tổ chức, hướng dẫn, điều khiển giao thông tại các nút giao thông trên địa bàn thành phố Ninh Bình, thành phố Tam Điệp trên tuyến Quốc lộ 1A và một số tuyến đường trọng điểm khác.
"Việc xử lý vi phạm chở hàng quá tải là một chuyên đề phức tạp, phải khảo sát vị trí đặt cân, trang bị phương tiện, thiết bị hạ tải, kho bãi hạ tải, tiến hành cân, kiểm tra xe, hạ tải... Trong khi các điều kiện về cơ sở vật chất và kinh phí cho hoạt động này còn thiếu.
Hiện nay, Công an tỉnh chỉ có 1 chiếc cân tải trọng cố định đặt tại Trạm Cảnh sát giao thông Tam Điệp, còn các cân tải trọng xách tay do địa hình mặt bằng không đáp ứng được quy định, dẫn đến kết quả cân thiếu chính xác nên không đưa vào sử dụng. Điều này cũng ảnh hưởng lớn đến hiệu quả công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về tải trọng phương tiện"- Đại tá Phạm Văn Sơn nhấn mạnh.
Tình trạng vi phạm tải trọng chưa được xử lý triệt để một phần còn do việc hạ tải đối với các phương tiện vi phạm rất khó khăn, nhất là các phương tiện vận chuyển mặt hàng xăng, dầu, gas, nông sản, hàng tươi sống... vì bến bãi, phương tiện phục vụ hạ tải thiếu thốn, thời gian hạ tải kéo dài, chi phí lớn, nên chủ yếu là yêu cầu chủ phương tiện tự hạ tải trước khi lưu thông hoặc chỉ xử phạt vi phạm hành chính.
Bên cạnh đó, một số hệ thống biển báo hiệu đường bộ trên địa bàn tỉnh, nhất là trên các tuyến đê, mặc dù Công an tỉnh đã kiến nghị nhiều lần nhưng chưa được lắp đặt đầy đủ và chưa đảm bảo tiêu chuẩn theo Quy chuẩn số 41, Thông tư 06 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (qua mỗi ngã ba, ngã tư đều phải có biển báo nhắc lại).
Trước những khó khăn trên, để kiểm soát tải trọng xe, đồng chí Giám đốc Công an tỉnh cho biết: Trong thời gian tới, lực lượng Công an tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp nghiệp vụ và kiên quyết xử lý đối với các hành vi vi phạm.
Tuy nhiên, để giải quyết triệt để vấn đề này, Giám đốc Công an tỉnh cũng cho rằng cần tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp và ngành Công an trong công tác tuyên truyền kết hợp với kiểm tra, xử lý vi phạm theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Đồng thời cần áp dụng các biện pháp mạnh như tước giấy phép lái xe; tạm giữ phương tiện; xử lý nghiêm trách nhiệm của chủ doanh nghiệp vận tải, người quản lý kho, cảng, bến bãi nếu để xe xếp hàng quá trọng tải lưu thông trên đường, có như vậy mới thực sự bảo đảm tính răn đe của pháp luật.
Mai Lan