Trên cơ sở tình hình thực tế tình trạng người dân sử dụng kích điện, chất nổ trên địa bàn và căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ và Công an các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch, triển khai các phương án cụ thể để thực hiện.
Trong đó, chủ trọng công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chỉ đạo các ban ngành đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội tập trung đẩy mạnh công tác giáo dục pháp luật, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, nhất là tại địa bàn có nhiều ao, hồ, sông, ngòi về hậu quả, tác hại của việc sử dụng kích điện, chất nổ khai thác thủy sản đối với nguồn lợi thủy sản và môi trường sống. Giúp nhân dân nhận biết hành vi sử dụng kích điện, chất nổ khai thác thủy là vi phạm pháp luật, tự hủy hoại điều kiện, môi trường sống của mình, từ đó thay đổi phương thức khai thác, không vi phạm.
Thượng tá Đinh Việt Hùng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh cho biết: Thực hiện Chỉ thị 04 của UBND tỉnh và chỉ đạo của Giám đốc Công tỉnh, Phòng Cảnh sát môi trường đã phân công CBCS nắm tình hình, khảo sát, lập danh sách các cơ sở, hộ kinh doanh có mua bán, tàng trữ kích điện để khai thác thủy sản; lập danh sách các nhóm đối tượng có nhiều biểu hiện nghi vấn liên quan đến việc sử dụng kích điện, chất nổ trong khai thác thủy sản để tuyên truyền, yêu cầu ký cam kết.
Đồng thời phối hợp với lực lượng Công an cơ sở, Cảnh sát giao thông đường thủy, Thanh tra chuyên ngành thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp & PTNT tăng cường công tác tuần tra trên các tuyến sông kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng kích điện, chất nổ trong khai thác thủy sản ảnh hưởng đến môi trường,...... góp phần tái tạo nguồn thủy sản, bảo vệ môi trường.
Các đơn vị nghiệp vụ Công an trong tỉnh, nhất là lực lượng Cảnh sát môi trường, Cảnh sát quản lý hành chính về TTXH, Công an xã chính quy đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở, tuyên truyền lưu động các quy định của pháp luật về quản lý sử dụng chất nổ, kích điện trong khai thác thủy sản.
Thực hiện tốt công tác quản lý vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tăng cường tuần tra, nắm tình hình, tổ chức ký cam kết nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân đối với công tác bảo vệ môi trường, tái tạo nguồn thủy sản.
Đồng thời, phát động mạnh mẽ phong trào toàn dân phát hiện, tố giác các trường hợp tàng trữ, sử dụng trái phép các loại chất nổ, kích điện trong đánh bắt thủy sản.
Trao đổi với Đội trưởng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, ma túy, môi trường, Công an thành phố Tam Điệp cho biết: Chúng tôi đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh, các phương tiện thông tin, phối hợp với Công an các phường, xã rà soát các đối tượng có hành vi sử dụng kích điện trong đánh bắt thủy sản, tăng cường công tác tuần tra, nắm tình hình kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp cố tình vi phạm.
Nhờ sự triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp, từ tháng 8/ 2021 đến nay lực lượng Công an đã phát hiện, bắt giữ 43 vụ, 43 đối tượng vi phạm các quy định về sử dụng kích điện khai thác thủy sản trái phép, xử phạt hành chính hơn 100 triệu đồng, thu giữ nhiều dụng cụ liên quan đến việc sử dụng kích điện để khai thác thủy sản.
Để thực hiện có hiệu quả công tác phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý nghiêm tình trạng sử dụng kích điện, chất nổ khai thác thủy sản mang tính tận diệt, hủy hoại môi trường, các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến quy định về quản lý, sử dụng chất nổ, kích điện khai thác thủy sản, từ đó nâng cao ý thức chấp hành, tích cực phối hợp với lực lượng chức năng trong phòng ngừa, đấu tranh với xử lý các đối tượng có dấu hiệu tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản quy định tại điều 242 Bộ luật Hình sự.
Ông Đinh Văn Tuyển, Trưởng thôn Xuân Hòa, xã Gia Xuân, huyện Gia Viễn cho biết: Xóm Xuân Hòa thường xuyên nắm bắt thông tin liên quan đến tình hình ANTT, đặc biệt là việc xử lý các trường hợp sử dụng kích điện, chất nổ khai thác thủy sản của lực lượng Công an để tuyên truyền cho bà con trong xóm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành vì việc sử dụng kích điện khai thác thủy sản không chỉ hủy hoại nguồn lợi thủy sản, hệ sinh thái, môi trường mà còn nguy hiểm, nếu chẳng may có hở điện dễ gây chết người. Qua công tác tuần tra, chúng tôi đã phát hiện một vài trường hợp vi phạm và xử lý nghiêm minh. Có trường hợp bị phạt đến 4 triệu đồng.
Tố Uyên (Công an tỉnh)