Bên cạnh đó, những nội dung về an toàn giao thông cũng được lồng ghép trong môn học giáo dục công dân và các buổi sinh hoạt dưới cờ sáng thứ hai hàng tuần trong các trường học. Tuy nhiên, hiện tượng học sinh đi xe đạp điện tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm vẫn còn diễn ra khá phổ biến ở nhiều nơi.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do ý thức chấp hành giao thông của một số học sinh kém, một số em do sao nhãng, hay quên mũ bảo hiểm, hoặc gia đình không quan tâm nhắc nhở. Mặt khác, số lượng học sinh dùng xe đạp điện làm phương tiện đến trường quá đông nên nhiều trường học chưa thể kiểm đếm, quản lý được.
Ngoài ra, việc xử lý học sinh vi phạm không đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp điện chưa nghiêm khắc và triệt để nên khi thấy bạn mình không đội mũ bảo hiểm mà không bị xử lý, các em khác đua theo; từ đó tỷ lệ học sinh đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm tăng.
Trước thực tế trên, các lực lượng giữ gìn trật tự an toàn giao thông cần phải xử lý nghiêm các trường hợp học sinh đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm. Đồng thời có thông báo gửi về các nhà trường để làm cơ sở uốn nắn, nhắc nhở kịp thời để các em sửa chữa hành vi.
Sự phối hợp giữa ba bên gia đình, nhà trường và xã hội để giáo dục học sinh là quan trọng và rất cần thiết, nhưng sự phối hợp này phải thực sự đồng bộ.
Trong khi nhà trường và các lực lượng xã hội đã phối kết hợp để giáo dục học sinh biết Luật Giao thông đường bộ nhưng để học sinh chấp hành luật thì vai trò của cha mẹ vẫn mang yếu tố quyết định.
Nếu cả gia đình, nhà trường và xã hội đều nghiêm khắc trong giáo dục Luật Giao thông đường bộ mà học sinh vẫn tái phạm thì các trường hợp này cần bị xử lý nghiêm để làm gương cho các em học sinh khác.
Trần Mạnh Dũng