Nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản, ngăn chặn các hành vi xâm hại đến môi trường, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 01/1998/CT-TTg về việc nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản. Chỉ thị nêu rõ: "Nghiêm cấm mọi tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép và sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản ở tất cả các vùng nước".
Còn theo quy định tại điều 15, Nghị định 103/2013/NĐ-CP, ngày 12-9-2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản thì các hành vi vi phạm về sử dụng điện để khai thác thủy sản có thể bị phạt đến 2 triệu đồng, ngoài ra còn bị tịch thu công cụ kích điện.
Tuy nhiên, đến nay, việc xử lý hành vi vi phạm dùng kích điện để đánh bắt thủy sản trên địa bàn tỉnh chưa nghiêm, nên tình trạng sử dụng kích điện tự chế trên các cánh đồng vẫn diễn ra.
Trên các cánh đồng thuộc địa bàn các huyện Nho Quan, Gia Viễn, Hoa Lư, Yên Mô... không khó để bắt gặp những người sử dụng kích điện để đánh bắt thủy sản. Nhiều người dùng kích điện tự chế vô tư đánh bắt tôm cá, có nơi người đi đánh cá bằng kích điện còn dàn hàng ngang để "càn quét" khắp các cánh đồng.
Nạn kích điện hoành hành khiến nguồn lợi thủy sản bị suy kiệt; môi trường sinh thái tự nhiên ảnh hưởng nghiêm trọng, số lượng cá tôm, sinh vật có ích ngày càng bị sụt giảm...
Theo tìm hiểu của chúng tôi, một bộ "kích điện" nhỏ giá khoảng 1 triệu đồng, loại này chỉ đánh bắt được cá ở nơi nước có độ sâu từ 30- 50cm, bộ kích điện loại lớn giá khoảng 1,5 - 2 triệu đồng, nguồn điện mạnh hơn, có thể đánh tôm cá ở những ao sâu trên 2m.
Trước thực trạng nêu trên, thiết nghĩ, chính quyền các địa phương cần tăng cường kiểm soát việc chế tạo và dùng kích điện để đánh bắt thủy sản; tuyên truyền, vận động, giáo dục người dân làm tốt việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Các ngành chức năng vào cuộc phát hiện và xử lý nghiêm người sản xuất dụng cụ kích điện và người dùng kích điện để đánh bắt thủy sản hủy diệt môi trường.
Hoàng Hiệp