Những người am hiểu về văn hóa thường so sánh lối đá thiên về thể lực, mang dấu ấn tài năng cá nhân của các cầu thủ Brazin như là một "vũ điệu Samba", còn sự thi đấu kiên cường của các tuyển thủ Nhật tựa như tinh thần chiến đấu của các Samurai. Và sự so sánh ấy dường như là vô tận, bởi thành thực mà nói mỗi dân tộc, mỗi nền văn hóa đều có một biểu tượng riêng. Điều này cũng giống như mỗi giải đấu ban tổ chức đều cho ra đời một "linh vật", mỗi đội bóng đều có một màu áo đặc thù riêng... Tuy nhiên, cho dù với tất cả những lý do trên, trước (hay sau) mỗi cuộc đọ sức, người ta vẫn không quên đề cập đến yếu tố văn hóa tinh thần trong đó. Tỷ như trận Nga thắng Tây Ban Nha, truyền thông giật tít "Gấu Nga quật ngã Bò tót", cuộc đọ sức giữa Bỉ với Nhật Bản được ví "Samurai khiêu chiến Quỷ đỏ"...
Sự so sánh ấy có thể không làm nên chiến thắng của mỗi đội, càng không thể là nguyên nhân dẫn đến các thất bại nhưng rõ ràng không thể phủ nhận một điều rằng, khi thắng điều làm người ta dễ liên tưởng đến nhất chính là sức mạnh tinh thần hay biểu tượng văn hóa của mỗi quốc gia, còn khi thất bại lý do người ta hay vin vào để đổ lỗi cho việc thua cuộc lại thường cũng không gì khác ngoài yếu tố trên.
Bởi vậy cũng có thể nói không ngoa rằng World Cup là sân khấu của những nền văn hóa. ở đó mọi sắc thái văn hóa đại diện cho mỗi dân tộc đều phô diễn trọn vẹn qua thần thái của mỗi đội bóng.
World Cup 2018 đã đi được quá nửa chặng đường, càng về sau sức nóng của nó càng mạnh mẽ theo nhịp lăn của trái bóng. Và khi mỗi đội tuyển đối diện với những khó khăn thì bản lĩnh, ý chí của nền văn hóa ấy càng có dịp bộc lộ. Trong sân chơi bóng đá đỉnh cao này không phải không có những đội tuyển được đánh giá cao hơn hẳn đối thủ nhưng vì một phút sơ xảy (hay vì sự kiêu ngạo, chủ quan) họ đã thua.
Ngược lại có những đội tuyển bị đánh giá thấp, rất ít cầu thủ "ngôi sao" nhưng nhờ tinh thần thi đấu quả cảm, đoàn kết, biết chắt chiu cơ hội họ đã vươn tới chiến thắng. Câu chuyện về đội bóng châu á Hàn Quốc đã hạ đo ván người khổng lồ của bóng đá châu Âu là tuyển Đức rồi sẽ còn được truyền thông nhắc đi nhắc lại nhiều lần.
Bóng đá dù sao cũng chỉ là một trò chơi, dù nhiều người mệnh danh nó là "môn thể thao vua". Phàm đã là trò chơi thì sự thắng thua đôi khi quan trọng với người này nhưng không hẳn có ý nghĩa với nhiều người khác. Nhưng điều người ta quan tâm nhất lại không phải nằm ở sự thắng thua mà nằm ở thái độ tinh thần của những người tham gia cuộc chơi đó. Thắng- thua nhưng theo cách cao thượng hay thấp hèn.
Thắng Fair Play hay thua mà vẫn ngẩng cao đầu. Kiểu như trận Nhật Bản đã thua trước tuyển Bỉ song người Nhật vẫn có quyền tự hào về các chiến binh của họ khi đội tuyển Nhật đã thi đấu kiên cường đến phút cuối cùng và đã thua trong danh dự, trong sự ngưỡng mộ của khán giả toàn thế giới.
Bóng đá là môn thể thao của sức mạnh, tốc độ. Rất khó có thể bác bỏ một nhận định như vậy, nhưng những câu chuyện trên cũng có thể xem là mình chứng cho sự quan trọng không kém của yếu tố tinh thần (hay nói rộng ra là vấn đề văn hóa) bên cạnh vấn đề thể lực.
Vì nói cho cùng một tuyển thủ dù có khỏe tới đâu mà không có ý chí, thiếu quyết tâm thi đấu thì cũng không thể nào thi đấu tốt. Một cầu thủ đã hẳn, với đội tuyển càng như vậy. Cho nên dù có thể rất chủ quan, tôi vẫn nghĩ rằng bóng đá không thể tách rời câu chuyện về văn hóa.
Cũng giống như để có một cầu thủ thì không chỉ có các chỉ số về thể lực, kỹ thuật mà còn về tinh thần thi đấu, ý thức tổ chức kỷ luật. Đó là chưa kể một cách tự nhiên một người không thể lớn lên mà không hít thở "khí quyển văn hóa" từ mảnh đất mà mình sinh ra. "Khí quyển" ấy là gì nếu không phải là tính dân tộc của nền văn hóa ấy.
Mai Phương