Chỉ đạo các huyện, thành phố thành lập Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật; rà soát nội dung các chỉ tiêu, tiêu chí chuẩn tiếp cận pháp luật; tổ chức tự đánh giá, chấm điểm; xét, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại địa bàn các huyện, thành phố theo đúng quy trình, quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, là năm đầu triển khai thực hiện chuẩn tiếp cận pháp luật nên nhiều nơi vẫn còn nhiều lúng túng trong tổ chức, triển khai thực hiện, đặc biệt là 16 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới đợt 2 năm 2017. Khó khăn đặt ra là một số tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật còn chung chung.
Một số cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm chú trọng tới ý nghĩa, vai trò của công tác chuẩn tiếp cận pháp luật, còn coi đó là nhiệm vụ của riêng ngành Tư pháp nên chưa phối hợp chặt chẽ trong tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, công tác tập huấn, chuyên sâu và cung cấp hỗ trợ các tài liệu, sổ tay hướng dẫn làm cẩm nang để tổ chức thực hiện nhiệm vụ chuẩn tiếp cận pháp luật chưa được thực hiện.
Để đẩy mạnh công tác chuẩn tiếp cận pháp luật, Sở Tư pháp đã thực hiện tốt việc quán triệt, truyền thông nâng cao nhận thức cho các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân về chủ trương xây dựng địa phương chuẩn tiếp cận pháp luật. Tổ chức tập huấn, tọa đàm về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cho 347 đại biểu đại diện Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh, UBND, Phòng Tư pháp cấp huyện; cán bộ Tư pháp - Hộ tịch các xã, phường, thị trấn, với nội dung tập trung: Hướng dẫn cách tính điểm các chỉ tiêu tiếp cận pháp luật, thành lập Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật; những quy định, tiêu chuẩn xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; giải đáp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Có sự chỉ đạo của Sở Tư pháp, năm 2017, Phòng Tư pháp các huyện, thành phố làm tốt việc tham mưu UBND cùng cấp ban hành kế hoạch xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn về tiếp cận pháp luật; thành lập Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật tại địa phương, xây dựng Quy chế hoạt động của Hội đồng; ban hành công văn hướng dẫn các xã, phường, thị trấn thực hiện quy trình, thủ tục đánh giá, chấm điểm các chỉ tiêu, tiêu chí chuẩn tiếp cận pháp luật.
Đồng thời, tăng cường đôn đốc, kiểm tra UBND các xã, phường, thị trấn triển khai nhiệm vụ chuẩn tiếp cận pháp luật. Trên cơ sở đó, UBND các xã, phường, thị trấn đã tổ chức triển khai các điều kiện để xây dựng địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; phân công cán bộ tham mưu thực hiện các tiêu chí về tiếp cận pháp luật cho người dân.
Trong năm 2017, Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật huyện Kim Sơn, Yên Khánh, Gia Viễn, Nho Quan đã xét, công nhận 16 xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2017, đảm bảo 5 tiêu chí thành phần về bảo đảm thi hành Hiến pháp và pháp luật, thực hiện thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của UBND cấp xã, phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, thực hiện dân chủ ở cơ sở. Việc xét các xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là hoàn thành tiêu chí 16.5 trong Bộ tiêu chí nông thôn mới, từ đó đủ tiêu chuẩn để được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017.
Đối với các xã, phường, thị trấn chưa được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, Phòng Tư pháp các huyện, thành phố tiếp tục tăng cường đôn đốc, hướng dẫn kiểm tra và tham mưu UBND cùng cấp chỉ đạo thực hiện các giải pháp để đạt các tiêu chí xét công nhận chuẩn tiếp cận pháp luật theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tư pháp, chú trọng phổ biến các văn bản pháp luật có liên quan đến việc thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu chuẩn tiếp cận pháp luật như phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, quy chế dân chủ cơ sở; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước tại cơ sở; quản lý và khai thác tủ sách pháp luật.
Trần Dũng